Những người thấu hiểu cuộc đời sớm đã nắm vững ba mẹo đối nhân xử thế này: “nhu” hợp lý, “ngốc” đúng lúc, luôn luôn tỉnh táo.
1. “Nhu” hợp lý
Trong một tập của một chương trình thực tế về tranh biện, có một biện thủ chia sẻ câu chuyện của mình như sau:
Có một lần, anh vì một chuyện rất nhỏ mà tranh cãi với bạn gái của mình, hai người ai cũng thấy mình đúng, không ai chịu nhượng bộ.
Biện thủ này dùng những lý lẽ xác đáng và logic khiến người bạn gái không biết phản bác ra sao.
Không ngờ lúc anh nói xong, người bạn gái bỗng òa khóc.
Lúc này anh mới chợt nhận ra rằng, mình tuy có thể dùng kỹ năng để trấn áp đối phương, nhưng điều mà người bạn gái cần lại là sự dịu dàng và cảm thông.
Khi còn trẻ, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có những sự hiếu thắng nhất định.
Mãi cho tới khi trải nghiệm một số chuyện rồi, mới dần dần nhận ra, cuộc sống, không phải là nơi để lúc nào cũng giảng đạo lý.
Bất kể là trong tình yêu hay tình bạn, học cách thỏa hiệp, học cách thể hiện cái “nhu” đúng lúc, mới có thể khiến một mối quan hệ trở nên nồng ấm và lâu dài.
Mỗi lần đọc cuốn sách của một tác giả nước ngoài có tên “Bình mỹ như đường”, tôi sẽ luôn bị cảm động bởi vợ chồng tác giả trong cuốn sách, họ luôn sát cánh, cùng nhau vượt qua gian khổ, bình yên bên nhau.
Họ trải qua chiến tranh, bệnh tật, ly biệt, nhưng vẫn cùng nắm tay đi hết 60 năm cuộc đời, tình cảm chưa bao giờ mờ phai.
Trong suốt những năm tháng bên nhau, hai người cũng có lúc xảy ra mâu thuẫn, nhưng lần nào cũng vậy, mâu thuẫn sẽ kết thúc với câu nói, “là anh không đúng” của người chồng.
Tác giả nói: “Với người đàn ông, sĩ diện không quan trọng, bình yên bên nhau mới là quan trọng hơn cả”.
Trong một mối quan hệ, thắng về thể diện, nhưng thua về tình cảm, đó sẽ là vụ mua bán thua lỗ nhất. Hiểu và cảm thông luôn quan trọng hơn cái lý, bao dung luôn quan trọng hơn thắng thua.
2. “Ngốc” đúng lúc
Shakespeare đã từng nói: “Giả vờ là một kẻ ngốc cũng cần có tài năng, không chỉ cần nhìn thấu bản chất con người, hiểu được danh tính của họ, mà còn phải biết nhìn thời điểm”.
Người đời ai cũng cho rằng thông minh là điều đáng tự hào, nhưng có biết giả ngốc đúng lúc hay không mới là thứ có thể thực sự khảo nghiệm trí tuệ và tầm nhìn của một người.
Khi còn trẻ, tôi từng có một lần đi ăn tối với lãnh đạo.
Lúc đó, trên bàn rượu có một thanh niên trạc 20 tuổi đang khoe khoang về việc mình quen biết ai và đạt được những giải thưởng gì.
Tôi biết cậu thanh niên này, là một nhân viên nhỏ của công ty đối tác, nực cười hơn là, rất nhiều giải thưởng mà cậu ta khoe khoang đều không có thật.
Tôi thấy khó chịu, đang định đứng dậy bóc trần anh ta, lãnh đạo lại lặng lẽ kéo góc áo, ra hiệu tôi ngồi im.
Bản thân lãnh đạo, không chỉ ngồi mỉm cười xem thanh niên này “biểu diễn”, mà thỉnh thoảng còn chêm vào vài câu.
Trên đường về, tôi hỏi anh ấy, sao anh có thể ngồi đó nhẫn nhịn xem hết cái màn khoe khoang khoác loác đó như vậy.
Lãnh đạo nói, cậu xem những người khuôn mặt mỉm cười xung quanh cậu ta, chẳng qua cũng chỉ là muốn giữ miếng cơm, hơn nữa việc cậu ta khoe khoang như vậy cũng không phải chuyện gì to tát, thế giới của người trưởng thành, nào có dễ dàng.
Sau này, càng trải nghiệm nhiều, tôi càng phát hiện ra, những người sống thông suốt, luôn là những người rất biết suy nghĩ cho người khác.
Trong một chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài có tên “Everlasting Classics”, một tập của chương trình có mời Li Yuyi, một nữ ca sĩ nổi tiếng vào thời kì cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Sau khi bà hát xong, một vị khách mời có nói rằng mình là một fan cứng của bà, còn kể tên các bài hát mà bà từng hát.
Nhưng bà lập tức chỉ ra trong số những bài hát mà khách mời kể, có một bài không phải do bà hát, cả khán phòng rơi vào trạng thái gượng gạo.
Lúc này, MC nhanh chóng đứng ra “cứu hỏa”, anh nói mình cũng là một fan cứng của Li Yuyi, cũng kể tên rất nhiều bài hát bà từng hát, trong đó có một bài hát mang tên “Nỗi nhớ”.
Nhưng bài hát này cũng không phải là bài hát của Li Yuyi.
Li Yuyi lúc này cũng vẫn rất thẳng thắn chỉ ra đó không phải bài hát của mình, MC lúc này tỏ ra đáng thương, nhưng biểu cảm đó lại chọc khán giả cười, đồng thời cũng hóa giải được sự gượng gạo của vị khách mời.
Người MC quả thực không biết bài “Nỗi nhớ” không phải do Li Yuyi hát ư?
Thực ra không phải.
Anh chỉ đang khéo léo đưa bản thân vào một tình huống giống khách mời, sự “hồ đồ” này của anh là một sự đồng cảm mạnh mẽ, cũng là sự thiện chí từ trong tâm.
Cái gọi là EQ cao, là biết cách im lặng đúng lúc, biết “giả ngốc” đúng lúc.
Người thực sự thông minh, không bao giờ hạ bệ người khác để nâng cao bản thân, mà sẵn sàng hạ cái tôi của mình xuống, cho đi sự thiện chí.
3. Luôn tỉnh táo
Trên mạng có một câu hỏi như này: Có một chân lý cuộc sống nào mà bạn giác ngộ được hay không?
Có người trả lời nói, đừng bao giờ tin rằng người khác sẽ trở thành đấng cứu rỗi của mình, hãy tự trở thành người cứu thế của chính bản thân.
Tôi có quen biết một người bạn làm giám đốc, hơn 40 tuổi, cậu ấy quyết định nghỉ việc tự ra lập nghiệp, lúc đó cậu ấy không hề nghĩ rằng hai ba năm sau, mình không chỉ tiêu hết sạch tiền vốn và còn mang một món nợ khổng lồ.
Những người trước đó có mối quan hệ không tồi với cậu ấy, lúc đó đều tránh xa, sợ cậu ấy tới tìm mình vay tiền.
Cậu ấy tìm tới một vài đồng nghiệp ở công ty cũ, nhưng cũng bị từ chối.
Bất lực, cậu ấy đành phải bán nhà đi để trả nợ.
Vài năm sau, cậu ấy gây lại sự nghiệp từ con số 0, nhưng lần này, công việc càng làm càng thuận lợi, một vài người bạn trước đó lại bắt đầu tỏ ra thân thiết với cậu ấy.
Tôi hỏi cậu ấy, trải qua thăng trầm như vậy, cậu có nghĩ rằng thực ra không có cái gọi là chân tình trên đời này hay không?
Cậu ấy nói không.
Khi còn giữ chức vụ cao, cậu ấy luôn nghĩ rằng mình rất giỏi, đi tới đâu cũng được người khác ngưỡng mộ.
Nhưng sau khi tự mình ra lập nghiệp rồi mới hiểu ra được rằng, cái gọi là quan hệ xã hội, chẳng qua cũng chỉ là mối quan hệ lợi ích, lúc khó khăn nhất, người duy nhất chúng ta có thể trông cậy vào, chỉ có chính mình.
Lời của cậu bạn khiến tôi không khỏi xúc động.
Lúc bước chân vào xã hội, là lúc chúng ta dần đánh mất đi sự ngây thơ của bản thân, đồng thời bắt đầu hiểu luật chơi trong thế giới thực.
Mối quan hệ giữa người với người, chẳng qua cũng là một quá trình trao đổi giá trị.
Khi bạn yếu thế, bị lạnh lùng là chuyện bình thường, khi bạn đủ mạnh mẽ để che dù cho người khác, người khác sẽ tự nhiên mở đường cho bạn.
Vì vậy, lúc rơi xuống đáy vực, đừng trông chờ người khác đưa tay ra giúp đỡ, hãy yên lặng nỗ lực hết mình.
Đối nhân xử thế, suy cho cùng đều nằm ở chữ “độ”.