Sự tích Lễ Vu lan báo hiếu

GTHN - Tháng 7 âm lịch hằng năm vừa được biết đến là tháng xá tội vong nhân, cũng được biết đến là mùa Vu lan báo hiếu đối với các tăng ni, phật tử bốn phương. Vậy, ngày lễ Vu Lan báo hiếu có từ bao giờ? Vì sao lễ Vu Lan báo hiếu lại được diễn ra vào tháng 7 âm lịch?
su-tich-le-vu-lan-bao-hieu

Chúng ta thường được biết ngày lễ Vu lan báo hiếu vào dịp ngày Rằm tháng 7 âm lịch là một trong những dịp lễ lớn trong năm của đạo Phật? Vậy sự tích lễ Vu lan báo hiếu bắt đầu như thế nào? Ý nghĩa của ngày lễ này trong văn hóa của Đạo Phật là gì? Hãy cùng Sống đẹp tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Sự tích lễ Vu Lan báo hiếu

Vu Lan là từ phiên âm từ tiếng Phạn là Ullambana, dịch theo tiếng Hán là giải - đảo - huyền, có nghĩa là giải cứu tội nhân đọa trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh bị nghiệp lực hành hạ khổ đau.

Lễ Vu Lan hay còn được gọi đầy đủ với cái lên là Lễ Vu Lan Bồn. Bồn là dụng cụ đựng đồ như cái thau mà ngày xưa người ta thường dùng để đựng các vật phẩm dâng cúng chư Tăng trong lễ Trai Tăng để cầu nguyện cho ông bài cha mẹ quá cố, nhờ công đức của tổ tiên mà được giải thoát khỏi khổ đau trong nhân gian hoặc cầu phước - lộc - thọ cho cha mẹ.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-13

Sự tích lễ Vu lan báo hiếu được biết bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên đối với người mẹ quá cố được truyền lại trong dân gian với tích truyện Mục Liên Thanh Đề như sau:

"Vào thời Phật còn tại thế, ở thành Vương xá có người trưởng giả tên là Phó Tướng, tài sản nhiều vô kể. Ông có bà vợ tên Thanh Đề và một con trai tên La Bốc. Sau khi cha chết, thọ tang được 3 năm, La Bốc thưa với mẹ xin mở tất cả kho để kiểm điểm tài sản, thấy còn tổng cộng 3 vạn quan. Ông thưa với mẹ xin chia tài sản ra làm 3 phần: một phần xin dâng mẹ, một phần xin cúng dường Tam Bảo, phần còn lại xin được làm vốn để ra nước ngoài buôn bán.

Khi La Bốc đi rồi, bà Thanh Đề liền cho hội tất cả tôi tớ lại và bảo: “Con ta trước khi đi có dặn ta cúng dường Trai Tăng, nhưng ta không tin. Vậy nếu các ngươi có thấy Chư Tăng đến thì vác gậy đuổi đánh, làm như vậy để cho họ đừng tới nữa. Số tiền dành cúng Trai tăng ta sẽ mua heo, gà, vịt, ngỗng, trâu, bò, dê, ngựa giết để tế thần rồi ăn cho sướng cái miệng, ăn hết mua nữa, tội gì phải cúng Tăng”!

Sau ba năm buôn bán giàu to, La Bốc quay về. Ông chưa vội về nhà, ở ngoài thành kêu gia nhân tên Ích Lợi về nhà thông báo. Tỳ nữ Kim Chi được tin, báo với bà Thanh Đề. Bà lập tức sai gia nhân bày biện phan phướn trong nhà, giả như đã làm trai tăng.

Khi Ích Lợi vào nhà, Bà Thanh Đề hỏi con đang ở đâu? Ích Lợi thưa: Đang còn ở ngoài phía Tây thành. Bà Thanh Đề nói: sau khi La Bốc và ngươi đi rồi, ta liền thiết trai cúng dường chư Tăng hơn 500 vị. Ích Lợi nghe vậy rất hoan hỉ, bước vô nhà thấy phan, phướn, giường, chiếu, chén, bát còn ngổn ngang chưa dọn dẹp, nên liền quay lại báo tin cho La Bốc hay. La Bốc hết sức vui mừng vội về nhà, vừa đi vừa lạy. Họ hàng quyến thuộc thấy La Bốc về cũng chạy ra đón tiếp, họ ngạc nhiên hỏi:

- Trước không có Phật, sau không có Tăng, Ông lạy ai?

- La Bốc trả lời: “Tôi lạy mẹ tôi, vì khi tôi đi rồi, mẹ tôi thiết trai cúng dường Tăng hơn 500 vị”.

Họ hàng cho biết: Khi ông đi rồi thì mẹ ông chỉ gây nghiệp, đánh đuổi tăng chúng. Tiền ông dặn thiết trai mẹ ông mua trâu, bò, gà, vịt cắt tiết tế thần, hàng ngày giết ăn”. La Bốc nghe vậy té xỉu xuống đất, giây lâu mới tỉnh.

Bà Thanh Đề nghe nói, chạy tới cầm tay con thề: “Trời cao lồng lộng, bể rộng thênh thang, nếu con đi rồi mà mẹ không có thiết trai cúng dường Tăng chúng thì xin về nhà liền chịu bệnh chết, sau khi chết bị đọa địa ngục, chịu mọi ác báo”. La Bốc nghe vậy mới chịu trở về nhà.

Vừa về đến nhà, bà Thanh Đề thấy người khó chịu và lâm trọng bệnh, chỉ trong 7 ngày liền mệnh chung.

La Bốc chôn mẹ trong một khu rừng, cất chòi canh ở cạnh mộ phần, thủ hiếu trong 3 năm, cúng dường tượng Phật, thắp hương lễ kính, thọ trì trai giới, tụng niệm kinh kệ hồi hướng mẫu thân. Nhưng ông lại nghĩ: Muốn báo thâm ân không gì bằng xuất gia tu hành, học đạo, nên đến núi Kỳ Xà Quật xin Phật cho xuất gia, được Phật đặt cho tên: Đại Mục Kiền Liên.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-9

Ngài Mục Kiền Liên chuyên tu Thiền Định, đắc thần thông cao nhất trong số đệ tử của Phật. Muốn báo ân mẹ, Ngài dùng thần thông lên các cõi trời tìm mẹ, nhưng không gặp, xuống các cõi địa ngục cũng không thấy mẹ đâu, ông buồn rầu tới bạch Phật, Phật cho biết: “mẹ ông lúc còn sống không tin Tam Bảo, bỏn xẻn như núi Tu Di, sau khi chết đã đọa vào địa ngục”. Ngài Mục Liên lại xuống địa ngục để tìm.

Qua nhiều cửa ngục, thấy các tội nhân bị hành hình rất khổ sở, Ngài rất thương tâm, xin với chúa ngục cho chịu thay, chúa ngục cho biết: “Tội ác nơi địa ngục ai làm nấy chịu, dù có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay được”.

Đến một ngục kia rất kiên cố tên Cao Tường, vách sắt nghìn lần, tường cao muôn dặm, mắt tuệ nhìn không thấy, pháp thân cũng không thể lọt qua.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-8

Ngài Mục Liên trở về bạch Phật, Phật dạy: “Muốn đến địa ngục đó phải dùng gậy, áo, bát của Phật, đến ngoài cửa giộng 3 cái thì cửa ngục sẽ tự mở. Phật cho mượn 3 món, Ngài Mục Liên làm y theo lời.

Cửa ngục mở ra, Mục Liên bước vào, chúa ngục hoảng sợ vội đẩy Ngài ra và hỏi: “Ngài là người như thế nào mà vào được ngục này, vì ngục này chỉ có những người không tin Tam Bảo, phạm tội ngũ nghịch?” Mục Liên thưa Ngài là đệ tử của Phật muốn tìm mẹ để báo ân.

Chủ ngục liền tra sổ sách và lớn tiếng gọi bà Thanh Đề, báo tin cho biết là có một Thầy tên là Mục Liên tới thăm và nói rằng nếu quả thật Ngài là con của bà thì chẳng bao lâu bà sẽ thoát địa ngục.

Bà Thanh Đề cứ lặng im không thấy lên tiếng. Chúa ngục liền gạn hỏi vì sao không trả lời, thì bà bảo là sợ chịu khổ thêm nên không dám nói, lúc còn sống bà có một người con nhưng không có xuất gia và cũng mang tên khác.

Chúa ngục hỏi lại Ngài Mục Liên thì Ngài bảo: “Khi còn cha mẹ tôi tên là La Bốc, khi cha mẹ mất tôi mới xuất gia và có tên là Mục Liên”. Bà Thanh Đề biết đúng là con nên mới xin gặp.

Chúa ngục dắt bà Thanh Đề ra. Mục Liên thấy mẹ bị dao đâm khắp mình, toàn thân lửa cháy, cổ mang gông sắt, mình khoác lưới sắt, từ các lỗ chân lông máu tuông lênh láng thì đau lòng khóc lóc nói với mẹ: “Thiết Trai Tăng gồm 500 vị tưởng đã sinh thiên, hưởng mọi thú vui. Con đi tìm mẹ khắp các cõi trời nhưng không thấy, nào ngờ gặp mẹ nơi địa ngục”.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-3

Bà Thanh Đề nghẹn ngào nói: “Tưởng rằng mẹ con không bao giờ được nhìn thấy nhau, không ngờ ngày nay giữa chốn địa ngục sung sướng được gặp”.

Mục Liên hỏi: “Con ở dương gian làm mọi Phật sự sớm tối không ngơi, trai nghi cúng mẹ có ích gì không?".

Bà Thanh Đề trả lời: “Cúng tế vô ích, có ăn được đâu, phải lập công đức mới cứu được mẹ. Khi còn ở đời mẹ không tu phúc, chỉ gây nghiệp ác, lại thề với con là đã tu phúc nên ngày nay phải đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng. Đói ăn sắt nóng, khát uống nước đồng”.

Nói chưa dứt lời chúa ngục đã giục Bà Thanh Đề vào trong vì đã đến giờ chịu tội. Bà Thanh Đề còn ngoảnh lại nói với Ngài Mục Liên: “ Thân mẹ đau đớn không chịu nổi, con về bạch Phật xin tìm phương pháp cứu mẹ thoát khỏi tội báo địa ngục”.

Mục Liên nghe nói đau đớn khôn xiết, vập đầu vào tường cầu xin chúa ngục cho mình vào chịu tội thay cho mẹ. Chúa ngục trả lời là không thể được, bảo Ngài về xin Phật họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ mới mong tiêu trừ nghiệp ác, sinh về nơi cực lạc”.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-4

Mục Liên lại bạch Phật xin từ bi tìm mọi phương pháp cứu mẹ thoát khổ. Tấm lòng hiếu thảo làm Phật thương xót nhận lời thỉnh cầu. Phật cùng đệ tử thiên long, thánh chúng đi lên hư không, phóng hào quang xuống làm cho các dụng cụ hành hình biến thành hoa quả, giường sắt biến thành tòa sư tử, tất cả đại chúng thấy được thân Phật và được thoát khổ.

Mục Liên hỏi Phật mẹ mình hiện giờ thác sinh chỗ nào? Phật bảo: “Vì tội chướng sâu nặng, vừa thoát khỏi ngục A Tỳ lại phải sinh ngục Hắc Am. Mục Liên lại xuống ngục Hắc Am tìm mẹ, gặp được mẹ liền dâng cơm, bà Thanh Đề thấy cơm mừng rỡ, nhưng vì xung quang còn nhiều vong hồn, ngạ quỷ đói khát khác xung quanh nên bà đã lấy tay che bát cơm lại để tránh bị tranh giành. Ai ngờ, khi bốc cơm đưa đến miệng thì lại phát hiện toàn bộ đồ ăn đã biến thành than đen nóng không thể nuốt nổi nữa.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-vi-sao-vu-lan-bao-hieu-la-ram-thang-7-1a

Mục Liên lại khóc lóc trở về bạch Phật. Phật dạy: “Thỉnh các Đại Đức đã tu đắc đạo, đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn Trai, cúng dàng Tam Bảo, sám hối thay mẹ, cứu độ u hồn”.

Ý nói Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này mà vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. 

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy, quả nhiên vong mẫu của ông được thoát kiếp quỷ đói, về với cảnh giới lành. Cách thức cúng cầu siêu đó được gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn bội và bộ kinh ghi chép sự tích trên đây gọi là Vu Lan bồn kinh.

Vì sao lễ Vu Lan báo hiếu lại được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch?

Cũng theo sự tích lễ Vu lan báo hiếu, Mục Liên được Phật dạy Rằm tháng 7 âm là ngày đẹp để cung thỉnh sư tăng và sắm đồ làm lễ sám hối cho mẹ.

Do đó, thuận theo tích truyện này, hằng năm, cứ đến Rằm tháng 7, tăng ni, phật tử và rất nhiều gia đình Việt Nam đều tổ chức cỗ chay để làm lễ Vu lan báo hiếu để hồi hướng công đức, báo hiếu cho ông bà, cha mẹ.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu-11

Bên cạnh lễ Vu lan báo hiếu, trong ngày Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, các gia đình Việt cũng thường tổ chức lễ cúng chúng sinh, cúng cô hồn cũng với mục đích báo hiếu và làm phúc tương tự.

Hai lễ này thường bị hiểu sai là cùng một lễ, tuy nhiên, trên thực tế, đây là hai sự kiện khác nhau hoàn toàn, mặc dù mục đích tổ chức là như nhau.

Trên đây là các thông tin giúp  bạn hiểu về sự tích lễ Vu lan báo hiếu. Mong rằng với các nội dung trong bài viết, bạn đã hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt đối với các tăng ni, phật tử này!

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !