Lãnh đạo thành công không dùng người hoàn mỹ, chỉ dùng người giỏi
Trong thời Chiến quốc, nước Vệ là một nước nhỏ nên thường xuyên bị các nước lớn xung quanh xâm lược. Một hôm, Tử Tư nói về Vệ Hậu rằng: “Tuân Tiện là một tướng tài, ông ta có thể thống soái đại quân 500 cỗ xe (thời xưa, 1 cỗ xe có hơn 70 người).”
Nghe vậy, Vệ Hậu nói: “ Ta đã sớm biết Tuân Tiện là người có khả năng thống soái quân đội, là một vị tướng quân giỏi. Nhưng khanh không biết đó thôi, khi còn làm quan, ông ta đã lấy trộm trứng gà của người ta, một người như thế ta không thể trọng dụng được”
Tử Tư nghe vậy thì buồn cười lắm nhưng vẫn khéo léo đáp lại Vệ Hậu rằng: “Theo thần nghĩ, thánh minh quân chủ từ trước đến nay chọn dùng người như thợ mộc dùng gỗ vậy, chỉ dùng chỗ tốt, không dùng chỗ xấu. Hiện giờ chiến quốc phân tranh, các nước chư hầu chinh chiến rất cần nhân tài. Các nước khác đang ra sức chiêu nạp hiền tài, Ngụy Hầu ngài lại vì chuyện vài quả trứng gà mà bỏ đi một tướng tài thiện chiến có thể thống lĩnh ngàn quân vạn mã, chuyện này tốt nhất là không nên để các nước láng giềng biết.”
Ngụy Hầu sau khi nghe xong không những không giận mà còn đã cười nói với Tử Tư: “Ta đã hiểu rõ ý của khanh, hãy làm như những gì khanh nói đi”.
“Nhân vô thập toàn”- Con người khi sinh ra không ai hoàn hảo cả. Ai cũng có sở trường, sở đoản của riêng mình, cho dù là thiên tài cũng không thể nào có 72 nghề mà nghề nào cũng giỏi được. Là một người lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn bạn cần hiểu được điều này. Cách dùng người đúng đắn nhất không phải là cầu tìm được một người hoàn mỹ mà là cầu tìm được một người giỏi có thể phát huy hết mức sở trường của mình.
Lãnh đạo thành công không chỉ nhìn vào quá khứ mà phán đoán một người
Vào một ngày nọ, Giám đốc của một công ty công nghiệp quyết định bổ nhiệm một công nhân từng đi cải tạo lên làm Quản đốc của phân xưởng. Điều này khiến cả công ty bàn tán, dị nghị, họ cảm thấy điều này là không xứng đáng. Vậy lý do gì mà vị Giám đốc này lại quyết định như vậy?
Đó là do, trong một lần điều tra phân xưởng thì vị Giám đốc này phát hiện ra mỗi ngày một công nhân trong phân xưởng trung bình chỉ lắp được khoảng 10-16 công tơ điện, thế nhưng anh công nhân đã từng đi cải tạo này có thể lắp được 40-45 chiếc một ngày. Thấy thế, vị Giám đốc này quyết định bổ nhiệm anh công nhân lên giữ chức Quản đốc mặc những lời dị nghị xung quanh.
Và kết quả là sau khi anh công nhân từng có tì vết này nhận chức đã khiến mức lắp ráp bình quân của cả phân xưởng đạt gần 40 chiếc một ngày.
Lúc có người phản đối anh công nhân giữ chức vụ này, Giám đốc đã thẳng thắn phản bác “Vậy anh có thể làm cho mức lắp ráp trung bình của mỗi công nhân tăng từ 10 đến 40 cái một ngày không? Đừng thành kiến với người khác chỉ vì quá khứ của họ”.
Qua câu chuyện này ta có thể thấy một người lãnh đạo thành công là người biết nhìn nhận nhân tài ở cái nhìn công tâm, toàn diện. Có một câu nói như thế này “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai”. Phàm là người, sống ở đời ai rồi cũng sẽ phạm phải những sai lầm nhất định. Điều quan trọng là sau mỗi sai lầm người đó có biết đứng lên, làm lại cuộc đời hay không.
Một người lãnh đạo thành công là người biết dùng người vào những thời điểm thích hợp ở vị trí thích hợp. Còn bạn, nếu muốn thành công thì đừng bỏ lỡ cơ hội mà những vị lãnh đạo trao cho mình. Hãy là một người biết lắng nghe, biết nắm bắt cơ hội khi cần và làm việc hết sức của mình. Bởi thành công chưa bao giờ dành cho những người không biết cố gắng!
Theo songdep