Khoan dung là tốt

GTHN - Không thể phủ nhận rằng “khoan dung” là một đức tính tốt đẹp của nhân loại, nhưng nếu không lý trí đặt đúng người đúng chỗ, thì sự “khoan dung” ấy có thể sẽ trở thành hành vi tiếp tay cho cái ác hại người.
khoan-dung-la-tot

1. Câu chuyện “Nhà sư và con hổ”

Trong quyển cổ thư Trung Quốc “Tử Bất Ngữ” của tác giả Viên Mai được viết vào triều đại nhà Thanh, có kể lại câu chuyện về một nhà sư và một con hổ, đại ý như sau:

Có nhà sư nọ độc tu tại một ngôi chùa nhỏ, ngày nọ ông vào rừng thì phát hiện một con hổ con đang bị thương nặng, ông bèn mang nó về chùa băng bó vết thương và tìm thảo dược chữa trị.

Sau nhiều ngày, con hổ con khỏe lại, nó dần quen với nhà sư nên lúc nào cũng quanh quẩn bên ông, nhà sư cũng sinh tâm mến con vật nên quyết định giữ nó lại chùa để nuôi dưỡng.

Người dân gần đó rất sợ, đều khuyên nhà sư nên nhân lúc con hổ vẫn chưa trưởng thành mà mang nó trả về rừng núi, nhưng nhà sư không cho thế là phải, nói rằng: “Tôi đã cứu mạng nó và nuôi dưỡng nó, ắt là nó sẽ không bao giờ quên điều đó“.

Sau một thời gian dài, con hổ đã trưởng thành, thỉnh thoảng đi lại trong chùa mà gầm gừ rất dễ sợ, có lúc nó nhìn nhà sư chằm chằm khiến ông cũng kinh hãi. Nhưng hễ nhà sư quát mắng, thì con hổ hơi có vẻ e dè, nó ngần ngừ một lúc rồi cũng chịu nằm xuống, có điều càng ngày con vật này càng khó bảo hơn.

Đến một ngày nọ, con hổ bất ngờ trừng mắt nhìn nhà sư, nhà sư quát mắng thế nào nó cũng không sợ. Nhà sư toan chạy ra cửa thì không kịp nữa, con dã thú đã nhào đến xé xác và ăn thịt ông.

Con hổ sau nhiều lần cố gắng nhẫn chịu, cuối cùng thú tính cũng đã bộc phát. Con người có thể yêu thương và chăm sóc cho động vật, nhưng cần hiểu rằng người và động vật tuyệt đối không phải là đồng loại. Dã thú không có tiêu chuẩn về đạo đức và tâm tính như con người, mặc dù chúng cũng có thể có một số tình cảm nhất định, nhưng điều đó không thể che đi bản năng của chúng.

Bất kể con người cảm thấy mình đã chăm lo và thân thiết với động vật ra sao, thì cũng không thể đảm bảo rằng ngày kia thú tính của chúng không trỗi dậy. Giống như con hổ trong câu chuyện kia, khi bản năng nổi lên thì càng ngày càng không thể kiềm chế được, mặc dù nó cũng biết rằng nhà sư là ân nhân của nó nên đã cố gắng nghe lời ông, nhưng rốt cuộc hổ dữ vẫn là hổ dữ, dã tính thích cắn xé và ăn thịt sống của nó không thể cảm hóa được.

2. Câu chuyện “Ếch và Bọ Cạp”

Có con bọ cạp muốn qua sông nhưng không biết bơi, liền nhờ một con ếch gần đó chở nó qua.

Con ếch nói: “Ta không chở đâu, vì ai cũng biết ngươi là loài độc, nếu ra giữa sông ngươi chích vào lưng ta một phát thì sao?”

Con bọ cạp đáp: “Ta dại gì mà làm vậy? Nếu làm ngươi đau thì ngươi lặn xuống cho ta chết đuối sao?”

Con ếch nghe có lý, bèn chở con bọ cạp qua sông. Ra tới giữa sông, con bọ cạp bất ngờ chích mạnh vào lưng con ếch một phát. Con ếch giật mình, cảm thấy đau đớn và choáng váng, liền lặn xuống nước, làm con bọ cạp cũng chìm nghỉm.

Con ếch bị trúng độc nặng, lúc ngắc ngư sắp chết, thấy con bọ cạp đang giãy giụa trong nước, nó liền oán hận hỏi: “Ngươi thừa biết nếu chích ta thì cả hai sẽ cùng chết, tại sao ngươi vẫn làm vậy?”

Con bọ cạp vùng vẫy đáp: “Ta cũng đã cố gắng không làm vậy, nhưng ta không thể không làm, vì chích kẻ khác là bản năng của ta!”

Bò cạp, bản thân nó mang toàn chất độc, đó là bản chất không thể nào thay đổi. Những kẻ được gọi là “người xấu” cũng giống như con bọ cạp đó vậy, họ cứ phóng túng cho bản thân làm những việc xấu nhỏ nhặt, quen tay rồi thì làm những chuyện xấu to hơn, cứ như vậy.

Đến khi chợt nhận ra bản thân là người xấu, thì họ đã không có cách quay đầu nữa, không phải vì người ngoài không cho họ cơ hội sửa sai, mà là vì những chuyện xấu kia đã trở thành “bản năng” của họ mất rồi. Dù cho ngay cả khi biết rõ hại người cũng là hại chính mình, họ cũng không thể cưỡng lại được nữa. Những người như vậy rất đáng thương, nhưng cũng không thể tha thứ được.

Cả hai câu chuyện trên đều có chung một ý nghĩa, đó chính là không phải lúc nào “khoan dung” cũng có thể cảm hóa được kẻ ác. Đương nhiên đối với người đã thật tâm hối cải thì nên mở cho họ một cơ hội để làm lại từ đầu, nhưng không phải ai cũng có khả năng hối cải.

Giống như nhà sư và con ếch đã khoan dung cho con hổ và con bọ cạp kia, họ đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình, khoan dung với tà ác không phải là nhân từ mà chính là trợ giúp chúng hại nhiều người lương thiện hơn nữa.

Nguồn: tinhhoa.net

Biên tập Quang Minh 

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !