Sống, phải dám ước mơ

GTHN - Các bậc phụ huynh hay than phiền: Con cái bây giờ sống thụ động, vô cảm, thiếu ước mơ cho tương lai…

song-phai-dam-uoc-mo

Ngẫm sự phiền trách của phụ huynh mà thấy giật mình: “Thiếu ước mơ, sống thụ động, vô cảm…” có đúng là “thực trạng” của tuổi trẻ bây giờ?!

Chưa vội bàn đến những cái “thiếu” ấy có thật hay không, cũng như chưa vội bàn đến sự nhận xét ấy là “khách quan” hay “chủ quan” của phụ huynh. Có một điều dễ nhận ra là: Những ai sống thiếu ước mơ, không dám ước mơ thường là người thụ động, nhu nhược - nhu nhược đến vô cảm!

Trong thực tế cuộc sống, những người có ước mơ sẽ không ngừng hy vọng và cố gắng, họ không dễ dàng chùn bước trước những khó khăn, thách thức. Họ là những người dám quyết đoán để chinh phục những ước mơ của mình. Ngược lại, những người không có ước mơ, không dám ước mơ sẽ thiếu động lực và sự quyết tâm. Vì bản thân họ không có mục tiêu hướng đến, không có động lực để nỗ lực, nên dễ dàng bỏ cuộc và thất bại.

Thiết nghĩ, không chỉ “con cái bây giờ” (cái nghĩa bây giờ chắc nên hiểu là… mọi thời gian) vì ngay cả người lớn hay bất kỳ ai nếu không có ước mơ, hoài bão, không có lòng tự trọng, tự ái, không có nỗ lực từ chính bản thân mình, thì mọi thứ sẽ dễ dàng buông xuôi cho… “số phận”!

Câu chuyện của “người lớn” xoay quanh việc xóa nghèo sau đây tại một xã ven biển của tỉnh Bạc Liêu (xin không nêu tên) cho thấy cái sự thờ ơ, ích kỷ với vợ con và với… chính bản thân mình!

Số là một người chồng, người cha “trụ cột’ của một hộ nghèo, có lần được các cơ quan, đoàn thể nhận đỡ đầu đã xét tặng cho số tiền 4 triệu đồng, gọi là vốn để gia đình tăng gia sản xuất, đỡ đần cuộc sống. Vậy mà, khi đoàn hỗ trợ vừa quay đi, đã thấy “trụ cột” có mặt ở cửa hàng điện thoại di động, hồ hởi đem số vốn làm ăn ít ỏi đó để… “trả góp” cho con iPhone với mức giá gấp 2 - 3 lần tiền hỗ trợ… Thế là tiền mất - tất nhiên rồi! Nhưng kể từ đây, thời gian cho làm lụng cũng sẽ “mất” vì phải “cùng khởi động với iPhone”! Chỉ có ước mơ thoát nghèo, thoát khỏi cuộc sống túng thiếu, con cái được no bụng hằng ngày… gần như chưa lúc nào “thoáng qua” trong đầu anh ta, chứ nói chi cái việc “đọng lại” thành ước mơ của “người chồng, người cha… trụ cột”!

Ước mơ là những khát khao, hoài bão, những mục tiêu mà con người đặt ra để phấn đấu vươn tới. Với “trụ cột” này, nói chi đến những thành tựu lớn lao, chỉ cần những ước mơ đơn giản, bình thường (con cái được no bụng, được đến trường để biết mặt chữ, vợ con không phải lặn ngụp dưới biển từ mờ sáng đến xế chiều… mò từng con tép, con nghêu… đổi lấy chén cơm qua ngày)! Có thế thôi mà “trụ cột” vẫn không làm nổi!

Tuy nhiên, trong thẳm sâu, chúng ta (trong đó có người viết) vẫn nuôi hy vọng: Biết đâu trong quá khứ, anh ta (trụ cột gia đình) cũng từng mơ ước, từng “xây mộng” cho cuộc đời mình, nhưng vì lý do gì đó bất thành. Bởi ước mơ muốn thành hiện thực thì ước mơ phải đi liền với ý chí - không có ý chí, không hiện thực hóa được ước mơ!

Thử nhìn rộng ra cả về không gian và thời gian để thấy rằng nhiều điều phi thường thành hiện thực được khởi đầu bằng những ước mơ và dám ước mơ. Có rất nhiều những tấm gương cao quý của những nhà khoa học, những bác sĩ, kỹ sư… với những thành tựu vĩ đại để giúp người, giúp đời… mà điểm xuất phát cũng chỉ là những ước mơ nhỏ bé, giản dị, được nuôi dưỡng trong tâm trí và lớn dần theo năm tháng từ sự nhiệt huyết, khát khao, để rồi ước mơ thành hiện thực. Bởi con đường dài - mơ ước lớn - nhưng phải đi thì mới đến và sẽ đến - Đó chính là “chân lý của ước mơ”!

Trở lại sự than phiền của phụ huynh “con cái bây giờ sống thiếu ước mơ cho tương lai”… Thiết nghĩ, vì quá thương con, dẫn đến sự nôn nóng “đòi hỏi” con cái phải có “cái gì đó” làm “bằng ước mơ” để bậc cha mẹ yên lòng. Thực tế, trẻ em bây giờ không thụ động mà năng độngkhông vô cảm mà sống tình cảm, không chỉ có ước mơ mà còn dám ước mơ… chỉ có điều các em không bộc lộ, không nói ra - ít nhất là ước mơ thành siêu nhân, có lẽ không bé trai nào không một lần mơ như vậy; và không một bé gái nào không mơ ước thành cô tiên, cô giáo, bác sĩ để cứu người… cho dù ước mơ và hiện thực là một khoảng cách vô định. Con cái chúng ta thừa biết điều đó, nhưng vẫn miệt mài theo đuổi, vì đó là khát vọng sống, là sự đa dạng của cuộc sống, là sự phong phú trong trí tưởng tượng trong sáng của các em. Và rồi cũng từ đây những giấc mơ lớn, chinh phục cả vũ trụ, chinh phục đại dương hay bầu trời cao vời vợi đã thành hiện thực.

Ước mơ là cuộc sống, cuộc sống phải có ước mơ, dám ước mơ, ước mơ không phải là điều “viển vông mơ mộng” mà là khát vọng thiêng liêng… mà nếu thiếu nó, con người sẽ trở nên thụ động, thiếu lý tưởng sống, tẻ nhạt với cuộc đời và với chính mình.

Nhưng cũng cần nên nhớ: “Ước mơ” không phải là điều gì đó có sẵn mà nó phải được “nhen nhóm” trong tâm hồn, trong trái tim của mỗi con người. Muốn có ước mơ, dám ước mơ là phải dám theo đuổi và bền bỉ dưỡng nuôi để ước mơ lớn dần theo năm tháng để kết thành trái ngọt, hoa thơm.

Cha mẹ xin đừng quá nôn nóng “con cái bây giờ sống thiếu ước mơ”… mà việc cần làm của chúng ta là góp phần “định hướng” cho những ước mơ của con trẻ thực tế hơn, thiết thực hơn, đừng quá mơ mộng nhưng cũng đừng “bóp nghẹt” những mộng mơ từ trí tưởng tượng trong sáng của con em!

Ước mơ và dám ước mơ là điều thiêng liêng cần có trong mỗi con người. Ước mơ là sự khởi đầu “dựng xây nguồn lực” để gặt hái hiện thực của ngày sau.


DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !