Khi chúng ta tiếp tục trưởng thành

GTHN - Nếu bạn cảm thấy bản thân đang ở trong tình trạng mông lung về ước mơ của bản thân, hãy thử cùng mình đi qua một lượt các lý do sau, xem điều gì đã khiến chúng ta như vậy:

1. Chúng ta đã có một tuổi thơ không được tự mình chọn lựa những thứ mình thích


Khi còn là những đứa trẻ, ta thường tin rằng không có gì là không thể đối với mình, từ chuyện có thể bay như siêu nhân, thay đổi thế giới như những anh hùng trong phim ảnh, hay trở thành một nhà khoa học vĩ đại với những phát minh chưa từng có.

Nhưng vì nhiều lý do như điều kiện gia đình, hay cách giáo dục của ba mẹ mà ta dần bị thuyết phục rằng, chúng ta có những giới hạn và quy chuẩn phải tuân theo. Từng giấc mơ cũng vì thế bắt đầu lụi tàn, và chúng ta ngừng mơ.

2. Chúng ta thường xuyên bị dội những gáo nước lạnh khi kể về những thành tựu nhỏ trong cuộc sống


Bạn có từng trải qua cảm giác hụt hẫng vì khi khoe với gia đình điểm số mình tự hào thì đổi lại chỉ là sự quan tâm hờ hững? Hay khi bạn kể cho bạn bè thân nghe những thứ mình làm được thì đổi lại là sự so sánh với những thành tựu khác, khiến bạn cảm thấy bản thân mình thật nhỏ bé?

Nếu câu trả lời là "có" thì mình tin chính những trải nghiệm này là một trong những lý do lớn khiến bạn không còn muốn nghĩ tới những ước mơ to lớn hơn nữa.

3. Chúng ta không thật sự hiểu bản thân mình


Điều này thường xuất phát từ việc chúng ta chưa tích luỹ đủ trải nghiệm, va chạm để xây dựng sự nhận thức về bản thân.

Đôi khi ta cần sự phản chiếu của người khác, của thế giới bên ngoài để hiểu hơn về thế giới bên trong mình. Nhưng mặt trái của nó là chúng ta dễ hình thành tâm lý so sánh và đặt ra những mục tiêu không phản ánh thực sự mong muốn cá nhân. Ví dụ như bạn muốn học giỏi như lớp trưởng, nhưng lại không hiểu học giỏi giúp gì cho bản thân, ngoại trừ được ba me khen thưởng.

4. Chúng ta để cho mình chìm ngập trong sợ hãi và những bộn bề vô nghĩa


Thật khó để đối mặt với cảm giác không được công nhận - chúng ta thường sợ thất bại và bị người khác đánh giá thấp. Và để lãng tránh nỗi sợ này, ta thường tìm mọi cách để bận rộn với những việc nhỏ nhặt, vô nghĩa, làm lãng phí thời gian sống.

Chỉ cần bạn tìm thấy được lý do vì sao mình chưa có ước mơ, bạn sẽ tìm được cách để xử lý chúng. Vì mình tin rằng, với những thử thách đầy cá nhân thế này, mỗi người sẽ phù hợp với những cách khác nhau mà chỉ có bạn mới có thể tìm ra.

Mình chỉ muốn nhắn nhủ với bạn là: Không có ước mơ lúc này không có nghĩa bạn sẽ mãi không có ước mơ. Khi chúng ta tiếp tục trưởng thành, ước mơ sẽ tự tìm đến.

khi-chung-ta-tiep-tuc-truong-thanh-uoc-mo-se-tim-den
Và lời khuyên của mình dành cho những ai vẫn chưa tìm ra một ước mơ đủ lớn để theo đuổi đó là: Hãy thử đặt ra những mục tiêu khác nhau ở nhiều khía cạnh để thử nghiệm và thử thách bản thân.

Vừa rồi, mình có leo một ngọn núi bên Indonesia. Vì là núi lửa nên đường đi chỉ toàn tro và sỏi vụn. Cứ mỗi bước mình dấn về phía trước thì lại bị trượt về sau nửa bước. Cái cảm giác đi hoài không có tiến triển nhiều thật sự nản khủng khiếp.

Do lịch trình chặt chẽ, nên tối hôm trước mình được ngủ rất ít. Thời tiết lại không ủng hộ, với mưa, gió lạnh và sương mù dày đặc. Mình đã hoàn toàn bước đi trong vô thức, thậm chí mơ thấy nhiều giấc mơ khác nhau. Mình không còn nghĩ về đỉnh núi nữa, mà tự dặn rằng chỉ cần còn có thể bước tiếp, rồi hành trình sẽ hoàn thành.

Trải nghiệm này làm mình nhận ra rằng: Đặt mục tiêu không phải vì mục tiêu đó, mà là sự thay đổi của bản thân trong quá trình chinh phục mục tiêu đó.

Bài học này đã giúp mình nhận ra tầm quan trọng của việc quan sát sự phát triển của bản thân trong hành trình chinh phục một mục tiêu nào đó, thay vì chỉ chăm chăm nhìn xem còn bao lâu nữa thì hoàn thành. Và với suy nghĩ này, mình đã luôn sẵn sàng đối diện với sự thất bại, hay mục tiêu đạt được không như kỳ vọng ban đầu.
DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !