Từ cuộc sống người xung quanh

GTHN - Trong quá trình trưởng thành và tự hoàn thiện bản thân, tôi đã không ngừng tiếp nhận nhiều điều tốt đẹp bằng cách đọc sách hay trực tiếp trò chuyện với những người xung quanh. Mỗi người là một thế giới riêng về công việc, cách suy nghĩ, thái độ sống khác nhau nhưng tôi nhận thấy rằng chỉ cần bạn biết lắng nghe và đặt câu hỏi đúng lúc, bạn sẽ khám phá ra được nhiều điều giá trị cho chính mình. 


Chấp nhận thử thách 

Ngay trong lần đầu tiên trò chuyện với John Smart - giám đốc kinh doanh một công ty thực phẩm Úc, tôi đã đánh giá cao năng lực của anh. John thu hút người đối diện bằng đôi mắt biểu cảm, ánh nhìn thân thiện và cách nói chuyện cuốn hút. Anh lớn lên trong định kiến của mọi người rằng anh sẽ không bao giờ thành công. Sau một lần kinh doanh thất bại khiến anh rơi vào tình trạng tuyệt vọng, anh gặp được một người phụ nữ quan trọng – người không chỉ giúp anh trở thành người bán hàng giỏi nhất nước Úc mà còn giúp anh trở nên tự tin hơn về bản thân mình. John khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu về người phụ nữ đặc biệt đã làm thay đổi cuộc đời anh và những bí quyết mà bà đã giúp anh từ vực thẳm của nản chí và tuyệt vọng lên đến đỉnh cao của thành công và vinh quang. Và John đã xúc động kể cho tôi nghe về Rosemary Moore, người phụ nữ không bao giờ chấp nhận câu trả lời “không”.

Không chấp nhận câu trả lời “KHÔNG”

Rosemary là người Úc thuộc thế hệ thứ sáu của những người đầu tiên di cư đến Úc. Samuel Pratt Winter, tổ tiên bên nội của bà, từ năm 14 tuổi đã rời bỏ Ireland sang Úc, lập nghiệp ở thung lũng gần ranh giới giữa Portland và Wannon River, bang Victoria. Samuel Winter Cooke, cháu trai của ông, là một trong những thành viên Quốc hội Úc từ những ngày mới thành lập. Tổ tiên bên ngoại của Rosemary là người Scotland di cư đến bang New South Wales, trong số đó có John Robertson - về sau trở thành thống đốc bang New South Wales. Rosemary là con cháu của những người đã dám ước mơ và đã thành công, những người không nản chí khi nghe người khác ngăn cản: “Ước mơ đó không thể thực hiện được”. Rosemary đã thừa hưởng tính cách mạnh mẽ không sợ thất bại ấy từ truyền thống gia đình của mình. 

Ở tuổi 40, Rosemary chưa cảm thấy thật sự hài lòng với cuộc sống của bản thân. Bà mong muốn được làm một điều gì đó thật khác biệt cho cuộc đời còn lại. Khi thấy một mẩu quảng cáo tuyển dụng giáo viên đăng trên báo, bà liền gọi điện đến để ứng tuyển. Nhưng thực ra đây lại là mẩu quảng cáo tuyển nhân viên bán từ điển bách khoa nên bà không mấy quan tâm. Mọi việc sẽ rơi vào quên lãng nếu Michael, chồng bà, không nói rằng đây là một việc vượt quá khả năng của bà và khuyên bà không nên cố thử sức. Tưởng chừng câu nói này sẽ làm Rosemary nản lòng nhưng thực ra đây lại chính là điều mà Rosemary, với cá tính nổi loạn di truyền của gia đình, đang rất cần được nghe. Bà cảm thấy mình đang bị “thách thức” và đã trả lời chồng: “Nhưng em vẫn muốn được làm thử!”. 

Khách hàng đầu tiên của Rosemary là những người bạn của bà, những người đã mua từ điển mà không cần nghe bất kỳ lời quảng cáo nào. Việc này cứ tiếp diễn cho đến một hôm, một người bạn của bà bất ngờ nói: “Nếu bạn không thuyết phục được mình rằng đây là một quyển từ điển hữu dụng thì rất tiếc, mình sẽ không mua nó đâu”. Điều này đặt Rosemary vào thế phải làm việc thực sự và bà đã bắt đầu dùng lý lẽ để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Khả năng kinh doanh của bà đã được mọi người công nhận khi doanh số bán hàng ngày càng tăng cao. Điều này càng khiến bà thêm tự tin vào bản thân mình. 

Giá trị của sự thành công 

Rosemary trực tiếp đến gặp sếp của mình để xin lời khuyên, nhằm giúp bà có thể tăng doanh số bán hàng. Câu trả lời bà nhận được là: “Gõ cửa từng nhà một, nhưng chắc là cô không làm nổi việc này đâu”. Lúc đầu, Rosemary cũng cho rằng việc gõ cửa từng nhà quả thực là quá sức với mình. Nhưng khi đến bãi đậu xe, dòng máu tiên phong di truyền trong người bà chợt trỗi dậy. Bà muốn chứng minh rằng sếp đã đánh giá sai về bà. Rosemary đã chạy một mạch 70 bậc thang trở lại văn phòng của sếp để hỏi: “Tại sao bà lại nghĩ rằng tôi không thể bán hàng trực tiếp?”. Câu trả lời Rosemary nhận được là lời thách thức tìm hiểu về nghệ thuật bán hàng “gõ cửa từng nhà”. 

Trở về nhà, Rosemary gọi điện cho cha và hỏi ý kiến, ông bảo: “Con chỉ nên lưu tâm đến quan điểm của chính con. Đừng để bị dẫn dắt bởi quan điểm của người khác. Tổ tiên của con đã gõ cửa lục địa châu Úc này. Cha không thấy có lý do nào khiến con không đủ khả năng gõ cửa từng nhà để bán hàng cả”. Với sự khích lệ ấy, Rosemary đã phá vỡ các kỷ lục bán hàng của nước Úc và cả thế giới đối với sản phẩm Bách khoa toàn thư. Sau này, Rosemary nhận định rằng: “Để thành công, bạn phải để tâm trí không bị chi phối bởi những người có tư tưởng đầu hàng. Walt Disney thường đưa ý tưởng mới ra tham khảo bạn bè. Nếu có nhiều ý kiến phản đối, Disney lại theo đuổi ý tưởng đó đến cùng. Đôi khi những lời chê bai lại là động lực để bạn quyết tâm hơn đối với mục tiêu của mình”. 

Rosemary nói rằng trong lĩnh vực bán hàng, sự thành công phụ thuộc vào việc bạn biết “quên đi bản thân để giúp người khác đạt được mục tiêu”. Đồng thời, bạn cũng phải biết duy trì lòng quyết tâm bởi tinh thần quyết tâm sẽ giúp bạn cố gắng tiếp tục với mục tiêu ngay cả khi niềm khao khát tạm lắng xuống. Thế nhưng, chiến thắng không phải luôn là tất cả của mục tiêu và không nên đánh đổi chiến thắng với những giá trị sống như quan hệ giữa con người, danh tiếng của bản thân và của công ty mình đang gắn bó bởi theo Rosemary: “Nỗi đau về việc đánh mất những giá trị ấy sẽ tồn tại lâu hơn hương vị của chiến thắng”. 

Tìm kiếm sự cân bằng 

“Bí quyết của thành công là đạt được sự cân bằng. Sự thành công phải được bắt đầu, duy trì và kết thúc bằng một thái độ kích thích sự sáng tạo và hoạt động. Muốn thành công bạn phải có ước mơ, phải cụ thể hóa ước mơ ấy thành mục tiêu, rồi phải phấn đấu để theo đuổi những mục tiêu ấy. Bạn phải luôn nhìn về mục tiêu để tỉnh táo trước những trở ngại, thử thách. Và một khi đã đạt được mục tiêu thì bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm với tất cả mọi người”. Rosemary đã làm được những điều này. Bà đã khích lệ rất nhiều người như John Smarts, giúp họ đứng dậy sau những lần thất bại và giúp họ gõ được cánh cửa của thành công. 

Bạn hãy nhớ lại xem đã có ai từng bảo rằng bạn không thể làm được điều gì đó không? Tôi đoán rằng phản ứng lúc đó của bạn là vô cùng bực tức, khó chịu. Vậy từ bây giờ trở đi, mỗi khi nghe những lời nói tiêu cực này, bạn hãy cố gắng đè nén cảm xúc để xem đó là những thách thức cho bản thân và dám ước mơ để thay đổi nó. Nếu không thử thì bạn sẽ không bao giờ biết được đáp án của câu hỏi mà mọi người đang đặt ra cho bạn. 

Bạn hãy sống như Rosemary: sẵn sàng gõ cửa khi cần thiết, sẵn sàng hoạch định lại cuộc sống của mình ở độ tuổi mà đa phần mọi người đều e ngại sự thay đổi. Rosemary đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đích đến thật sự của bà không phải là sự giàu có về mặt tài chính mà là khẳng định giá trị bản thân và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Nhiều người thường đánh đồng thành công với sự giàu có, nhưng giàu có đôi khi chỉ là phương tiện để bạn đạt được ước mơ. Điều quan trọng là ước mơ của bạn có tạo nên một sự khác biệt nào cho cuộc sống hay không. 

Nhìn nhận lại công việc hiện tại 

Đôi khi bạn cũng nên khách quan nhìn nhận lại công việc hiện tại của mình. Bạn vẫn đang yêu thích công việc chứ? Công việc có làm bạn cảm thấy phấn khích mỗi buổi sáng thức dậy không? Công việc chọn bạn hay bạn chọn công việc? Một số người chọn nghề nghiệp theo những kỳ vọng của gia đình hoặc theo xu hướng chung của xã hội mà bỏ qua những mong ước và khả năng của bản thân. Và không phải ai cũng đủ can đảm nhận ra rằng công việc họ đang làm chưa thật sự phù hợp để bắt đầu theo đuổi những đam mê riêng của mình. 

Công việc đầu tiên của Rod là một bưu tá đưa thư. Sau vài năm nỗ lực làm việc, anh được thăng lên chức trưởng chi nhánh bưu điện nhưng không hiểu sao Rod luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải đi làm mỗi ngày. Anh thật sự không tìm thấy điều gì thú vị trong một công việc đã giúp anh có được cuộc sống ổn định mà nhiều người mong ước. Anh loay hoay với tâm trạng này suốt một thời gian dài mãi đến khi anh quyết định từ bỏ công việc sau 12 năm gắn bó để chuyển sang làm việc cho một công ty thiết kế. Ước mơ sáng tạo bị ngủ quên bấy lâu đã được anh đánh thức để thăng hoa thành những mẫu thiết kế đặc sắc, khác biệt, làm hài lòng mọi yêu cầu của khách hàng. Rod cảm thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa và đáng quý hơn. Có lẽ cũng như Rod, đã đến lúc bạn phải thay đổi! 

Sớm đánh thức ước mơ 

Càng sớm nhận ra ước mơ, bạn càng có điều kiện và cơ hội để thay đổi cuộc đời. Robert C. Davis đã biết hoạch định tương lai của mình ngay từ khi còn học trung học. Ngoài việc học ở trường, Robert còn phụ giúp cha kinh doanh nhà di động ở Brunswick thuộc tiểu bang Maine. Vì khách hàng đều là những người lớn ngang tuổi bố mẹ nên anh quyết định đăng ký khóa học Dale Carnegie - khóa học về nghệ thuật sống và ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Robert tin rằng khóa học này sẽ giúp anh hiểu tâm lý con người, có thể thuyết phục và giành thêm được khách hàng. Kết quả thật bất ngờ, sau khi tham gia lớp học này, lợi nhuận bán hàng của Robert đã tăng lên gấp đôi. 

Khi theo học trường cao đẳng Bates, Robert không ngừng giới thiệu về khóa học Dale Carnegie và kêu gọi mọi người nên đăng ký học. Hành động hoàn toàn tự nguyện này đã mang lại cho anh cơ hội trở thành nhân viên tiếp thị cho khóa học. Ở tuổi 21, Robert là giảng viên trẻ nhất trong hệ thống toàn cầu của Tổ chức Dale Carnegie ngay khi anh vẫn còn đang học cao đẳng. Khả năng làm việc của anh thật đáng nể. Anh chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành những công việc mà người khác đôi khi phải giải quyết trong nhiều năm. Quyết tâm trở thành người xuất sắc và đa năng nhất đã giúp anh liên tục thăng tiến trong nghề nghiệp. Vào năm 22 tuổi, Robert được cấp giấy phép làm việc ở bang Maine rồi sau đó ở toàn Vermont và một phần của New Hampshire và Massachusetts. 

Nỗ lực làm việc

Hơn 10 năm sau, khi trò chuyện với tôi, Robert đúc kết bí quyết về sự thành công của anh là niềm đam mê công tác giảng dạy, sự quan tâm đến nhu cầu của mọi người và luôn theo sát công việc của những giảng viên dưới quyền. Anh trực tiếp gọi điện đến các công ty lớn để tiếp thị và trực tiếp đào tạo nhân viên mới. Anh luôn tận dụng mọi cơ hội để vận dụng những kiến thức đã học. Robert tự hào đưa tôi đi tham quan những văn phòng và lớp học mới do chính tay anh tạo dựng. Trên tường có rất nhiều bằng khen cho biết anh là một thành viên trong Ban giám đốc vì chi nhánh công ty do anh phụ trách đã vượt chỉ tiêu hoạt động 150%. Anh cũng đã được tổng thống trao bằng khen do chương trình giảng dạy của anh đạt hiệu quả và có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Thêm nữa, trong vòng 5 năm, công ty của Robert phát triển từ 4 nhân viên lên đến 55 giảng viên, 22 đại diện làm việc toàn thời gian và 3 nhân viên hành chính.

Robert chia sẻ: “Một trong những bí quyết để thành công là làm việc thật chăm chỉ và luôn duy trì thái độ tích cực. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại tự nhủ: ‘Hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời’ rồi phác thảo sơ trong tâm trí về những việc phải làm trong ngày hôm đó”. Tôi hỏi thêm: “Lớp học theo chương trình Dale Carnegie có làm thay đổi tính cách của anh không?”. 

 “Thay đổi rất nhiều!”, anh trả lời. “Tôi đã từng rất khó chịu đối với cấp dưới mỗi khi họ làm sai việc gì đó, nhưng giờ đây tôi biết cảm thông và hỗ trợ họ nhiều hơn”. Xét một cách khách quan, bí quyết thành công của Robert không mới lạ với nhiều người nhưng điều quan trọng là anh luôn tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc đó trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer
DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !