Bạn chuẩn bị tâm lý trước khi đi làm

GTHN - Nếu bạn không chuẩn bị tâm lý trước, có lẽ bạn sẽ bị sốc trước sự khác biệt rất lớn giữa trường học và nơi làm việc.

ban-can-chuan-bi-tam-ly-truoc-khi-di-lam
Dù là chuẩn bị vào trường đại học hay sắp tốt nghiệp ra trường, sinh viên đều cần phải chuẩn bị tâm lý. (Ảnh minh họa)


Người ta thường nói rằng, đời đẹp nhất khi còn là học sinh – sinh viên. Nhưng khi mọi người đang ở trong khoảng thời gian này, họ lại không cảm nhận được gì cả, thậm chí mất phương hướng và lạc lõng khi vừa chuyển tiếp từ cấp 3 sang đại học, hay vừa mới tốt nghiệp ra trường.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, phần lớn sinh viên đại học không trải qua quá nhiều khó khăn trong quá trình học. Đây cũng là giai đoạn mà con người không trải qua các loại thăng trầm trong cuộc sống. Tận hưởng nốt thời gian này, sau đó ra đời và bạn sẽ cảm nhận được rằng, ở ngoài ra có biết bao gian khổ đang chờ đón sẵn.

Khi còn là học sinh – sinh viên, có lẽ việc học là thứ mà nhiều người than phiền quá vất vả. Không khó để nghe thấy những câu nói như “học mệt quá”, “bài tập nhiều quá”, “thời gian chơi sao ít vậy”, “điểm số chẳng tốt như hồi cấp 3”, thỉnh thoảng còn bị bố mẹ phàn nàn. Thực ra, những điều đó chẳng có gì là to tát cả, khi bạn chưa vấp ngã, bạn sẽ chẳng biết được mùi vị của đau đớn là gì. Khi bạn chưa nếm mùi thất bại, bạn sẽ chẳng biết những ngày tháng đó khủng khiếp như thế nào.

Khi bước chân vào cánh cửa đại học, bạn sẽ được tự do hơn rất nhiều so với lúc học cấp 3. Giờ giấc học ở trường đại học tự do và không bị gò bó hơn, việc học cũng không bị bố mẹ quản thúc như trước đây, cùng với tâm lý đậu đại học như một thứ gì đó rất "vĩ đại" nên nhiều bạn muốn được “xõa”. Điều này khiến không ít bạn không màng đến cảm xúc và suy nghĩ của bố mẹ, xem bản thân là trung tâm, muốn làm gì thì làm, bắt đầu trượt dài trên con đường sa sút học tập.

Khi học đại học, bạn có thể tự do chọn những môn học mình thích, nghỉ học nhiều đôi khi cũng không thành vấn đề nếu nó nằm trong giới hạn và không phạm vào quy định của nhà trường. Miễn là kết quả cuối cùng của bạn vẫn tốt, qua môn thì giáo viên hay bất kỳ ai cũng chẳng thể làm khó bạn. Vì không quản lý được bản thân, sống buông thả không kỷ luật, có những bạn sa sút đến mức làm tiêu tốn thời gian và tiền bạc của gia đình rất nhiều.

Ngưỡng cửa đại học là lúc bạn được tự do làm những điều mình muốn, nhưng điều đó có nghĩa là bạn phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chính mình. Đây là cánh cửa cuối cùng mà bạn có thể cảm thấy thoải mái nhất trước khi ra đời. Nếu cứ tiếp tục sống buông thả bản thân, khi tốt nghiệp, đi làm rồi bạn sẽ nhận ra có quá nhiều sự khác biệt giữa trường học và nơi làm việc.

Tại nơi làm việc, công ty sẽ không cho phép cá nhân thể hiện bản thân họ một cách thái quá, và có những yêu cầu quá mức trong công việc, áp lực cực kỳ cao. Nếu không chịu đựng được những áp lực này, có 2 trường hợp xảy ra: bạn tự nghỉ hoặc bị đuổi.

Xét cho cùng, nơi làm việc không giống như trường học, trường học có thể tùy ý nói về tự do và bình đẳng, hay bộc lộ cá tính riêng của mình. Ngoài các yêu cầu nghiêm ngặt về thi cử, các trường hợp khác đều ngoại lệ và không quá khắt khe. Nhưng khi đi làm, bạn cần phải chấp hành đúng nội quy, làm việc đúng quy trình, mọi thứ đều được quản lý. Vì vậy, bạn cần phải “nhập gia tùy tục” nếu muốn tồn tại lâu dài trong môi trường công sở.

Môi trường làm việc không phải là nơi để người sếp dạy bạn từ a-z, tất cả đều phải chủ động và tự giác, nói không với sự cẩu thả. Hơn nữa, bạn cần phải có EQ cao, biết đoàn kết với đồng nghiệp, phát huy được năng lực của bản thân và phải biết tư duy sáng tạo. Suy cho cùng, bạn cần tạo ra được giá trị cho bản thân để mang lại lợi ích càng nhiều càng tốt cho công ty. Đại học là nơi bạn nộp tiền vào để học, đôi khi bạn có thể tự do phá cách, làm những thứ tùy ý. Nhưng nơi làm việc là người ta trả tiền cho bạn, nếu bạn không tạo ra giá trị thì việc bị đào thải là chuyện hiển nhiên.

Sinh viên đại học sắp ra trường, trước khi bước chân vào công sở, bạn đã chuẩn bị tâm lý đối diện với sự thay đổi này chưa?

Dù vẫn còn ít thời gian, nhưng bạn nên bắt đầu chuẩn bị tâm lý cho việc thay đổi này. Trước tiên, bạn cần học cách kỷ luật bản thân, hiểu các tiêu chuẩn quản lý nơi làm việc, kỹ năng giao tiếp, biết kìm chế hành vi của bản thân, chấp hành quy tắc. Tất cả những điều này, tốt hơn là bạn nên chuẩn bị từ những năm tháng mình đặt chân vào cánh cổng đại học, nhưng dù sao thay đổi bây giờ còn hơn là không thay đổi.

Theo Phan Hằng - QQ (Dân Việt)

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !