Hãy cứ ước mơ!

GTHN - “Ước mơ của bạn là gì?” hay, “Lớn lên bạn muốn làm gì?”.

Từ ngày xưa bé, có lẽ chúng ta ai cũng đã từng nghe mẹ hỏi, cha hỏi, bà hỏi hay thậm chí là một người nào đó ta còn không biết họ là ai hỏi rằng: “Ước mơ của bạn là gì?” hay, “Lớn lên bạn muốn làm gì?”.

Mỗi người sẽ đối diện với câu hỏi ấy bằng những cách khác nhau, rằng: “Con muốn trở thành cô giáo”, “Con muốn trở thành bác sĩ”,… và ti tỉ ngành nghề khác với nhiều lí do. Đó là độ tuổi chúng ta còn ngô nghê, hôm nay ước mơ này, hôm sau ước mơ khác…

Lớn hơn một chút, với bạn bè, thầy cô, với những bài học, bài tập khó nhằn trên lớp, với những suy nghĩ chín chắn hơn. Chúng ta đã bắt đầu định hình được ta muốn gì, sẽ thành gì trong tương lai. Bạn thích Toán, giỏi Toán, bạn ước mơ trở thành giáo viên Toán hay một nghiên cứu sinh Toán học. Bạn thích Văn, giỏi Văn, bạn ước mơ trở thành một nhà báo, phóng viên, một cây bút, một tác giả. Bạn thích Vẽ, bạn vẽ tốt, bạn lại cực kì muốn trở thành một họa sĩ, vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp của cuộc đời bạn. Những ước mơ của chúng ta đã bắt đầu rõ nét, bắt đầu thật hơn và bắt đầu ít thay đổi hơn. Và, chúng ta bắt đầu cố gắng để đạt được nó!

Từ lúc nào, ta đã ngộ nhận rằng chúng ta cần phải có ước mơ vậy?

Khi bạn còn nhỏ, bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi: “Ước mơ của bạn là gì?”. Bạn thấy thích gì trước mắt, thấy ai đó ngầu, thấy nhà bạn kia giàu, thấy bộ đồ cô kia mặc rất đẹp, bạn y như rằng ước mơ trở thành như vậy. Lớn hơn, bạn bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, đánh giá nhiều hơn, xác định được mục tiêu của mình.

Lúc ấy, câu hỏi kia có lẽ đã chẳng dễ dàng để trả lời nữa. Sẽ thật tốt nếu như bạn đã có câu trả lời, dù là bạn đã tìm kiếm nó cũng giông ba, bão táp lắm, đã thử qua nhiều thứ lắm. Nhưng, nếu như bạn đã thử qua nhiều thứ, ngộ nhận nhiều thứ cũng như tìm kiếm nhiều thứ nhưng chẳng thể nào trả lời cho mình được ước mơ của mình là gì thì sao? Rằng: “Tôi không có ước mơ.”?

“Không có ước mơ” có lẽ cũng chỉ là một câu nói thể hiện sự băn khoăn và bối rối trong lòng bạn. Bởi, tôi nghĩ, chẳng có ai là không có ước mơ cả.

Có người, họ bảo họ không có ước mơ vì họ có quá nhiều ước mơ trong mình. Họ chỉ là đang phân vân trước hàng tá mong muốn, khát vọng trào lên trong trái tim họ. Họ muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho cha mẹ, họ muốn trở thành một doanh nhân để có thật nhiều tiền bù đắp cho cha mẹ, họ lại muốn đi theo sở thích của mình, trở thành một ca sĩ… Đó cũng là nhiều ước mơ như lúc ‘thắt bím tóc hai bên’ hay ‘để mái húi cua’ nhưng những ước mơ ấy vô cùng thực tế với nhiệt huyết, khát vọng cháy bỏng.

Hiện tại, họ có quá nhiều thứ phải lo nghĩ, cuộc sống đưa họ vào một hoàn cảnh bộn bề lo toan. Vậy nên, bất đắc dĩ, họ có quá nhiều ước mơ đến nỗi chẳng thể xác định rõ mình thật sự muốn gì nhất.

Có thể bảo rằng họ tham lam nhưng phải chăng sự tham lam ấy chẳng hề xấu xa gì? Khi họ ước mơ nhiều, họ cố gắng vì nó nhiều, họ có điều kiện và khả năng để thực hiện nó, họ không cướp hay phá hoại bất cứ thứ gì từ người khác, vậy tại sao lại không ước mơ?

Không ước mơ… họ không xác định rõ rằng mình đang muốn gì, cần gì. Bởi, trong suốt quá trình sinh ra và lớn lên, cha mẹ đã đặt ra những con đường và họ chỉ cần đi trên đó. Rất ít lần họ được tự chọn thứ mà mình mong muốn nhưng đó chẳng phải là những thứ mấu chốt trong cuộc đời. Họ cứ thế mà tin tưởng tuyệt đối về những quyết định của đấng sinh thành.

hay-cu-uoc-mo-gia-tri-song

Vậy, liệu rằng họ có phải là không có ước mơ? Với tôi, có lẽ là không. Sâu thẳm trong họ, họ biết mình ước mơ gì, cần gì, muốn gì nhưng chỉ đơn giản rằng họ không nhiệt huyết với nó, không cố gắng vì nó. Họ có ước mơ của cha mẹ họ đặt lên họ. Vì đã quen với cuộc sống như vậy, họ cảm thấy không mấy khó chịu khi không đạt được ước mơ của mình.

Và, dù đó có thật sự là ước mơ mà mình mong muốn hay không thì hiện tại và tương lai, họ tình nguyện làm theo những gì mà cha mẹ đặt ra, cũng tức là họ chọn theo còn đường đó, trở thành một công dân tốt, một con người tốt, có một cuộc sống tốt.

Vậy thì, ước mơ chẳng xác định được của họ hoặc không thể đạt được không bao giờ xấu cả. Chí ít, họ đã đạt được ước mơ về tương lai tốt đẹp!

Đôi khi, “không có ước mơ” còn là bởi họ nghĩ rằng ước mơ của mình thật dị thường và… không đáng có, không đáng gọi là ước mơ. Có nhiều người, họ mong muốn đơn giản là trở thành một người đặt chân lên mặt trăng đầu tiên, một người tìm ra được một hành tinh mới, một nguyên liệu mới hay chỉ đơn giản là muốn có ngày mai được nghỉ ngơi, cha mẹ luôn cười mỗi ngày… Đó là những ước mơ không thường được nghe từ nhiều người và đôi khi, những ước mơ ấy không được xem trọng vì quá viển vông hay quá tầm thường. Nhưng, đừng nghĩ như thế, đó cũng là những ước mơ! Họ đang ước mơ vì chính mình, vì người thân, vì những điều tốt đẹp. Vậy cớ gì lại cho rằng đó không phải ước mơ.

Bản chất, ước mơ như thế nào, ước mơ có đạt được hay không, ước mơ nhiều hay ít không quan trọng. Điều quan trọng rằng bạn đối xử với ước mơ đó của chính mình bằng thái độ như thế nào và ước mơ bạn hướng đến có mục đích sâu thẳm là gì. Khi những ước mơ được thành lập với mục đích giúp bạn tốt đẹp hơn, có động lực, niềm vui hơn, giúp cuộc sống này ý nghĩa hơn thì hãy cứ ước mơ đi. Dù nhỏ hay lớn, bạn hãy cứ tự hào rằng mình có ước mơ.

Và, tôi tin rằng, đâu đó trong tim bạn, bạn vẫn luôn đặt niềm tin và nhiệt huyết của mình vào một ước mơ nào đó. Vậy thì, hãy cứ nuôi dưỡng chúng!

By MalLee


 

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !