Cánh diều chở ước mơ tôi

GTHN - "Cha bảo tôi “hãy viết một ước mơ của con vào đó, thả lên cao, ông trời sẽ nhìn thấy và sẽ cho con được toại nguyện với ước mơ của con nếu ước mơ ấy không tổn hại đến ai”.

Tôi sinh ra ở vùng núi Tây Nguyên, nơi có những bãi cỏ xanh bát ngát, chấp chới nắng, chấp chới gió, chấp chới cả những cánh diều tự tay làm, ghi những ước mơ con trẻ vút cao vào lồng trời bao la giữa ngày hè rát nắng. Non mười năm tuổi thơ, non chục cánh diều trải dài quãng non trẻ, mỗi cánh diều mang một ước mơ riêng. Giờ ngẫm lại, tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một tuổi thơ ngợp những cánh diều, thỏa sức mà ước mơ!

Cánh diều năm tôi tròn sáu tuổi!

Năm ấy, cha cùng tôi ngồi làm diều giấy, từ những trang vở học trò đầu tiên cha sắm cho tôi tự vẽ những nét chữ đầu đời. Chúng thật chỉ là những nét vẽ theo khả năng nhìn và nhớ của cái đầu óc non nớt tôi mang lúc bấy giờ. Cha bảo tôi “hãy viết một ước mơ của con vào đó, thả lên cao, ông trời sẽ nhìn thấy và sẽ cho con được toại nguyện với ước mơ của con nếu ước mơ ấy không tổn hại đến ai”.

36dcanhdieu.jpg

Tôi tròn mắt nhìn cha. Tôi không tin có bất kỳ ước mơ nào có thể tổn hại người khác. Tôi không viết được. Tôi nói cha nghe. Cha viết bằng những nét nguệch ngoạc cha học lỏm từ sân nhà ông giáo nghèo thuở xưa cha ngủ nhờ bên hiên và giơ cao mảnh giấy ấy để tôi có thể vẽ theo. Lúc ấy, ước mơ của tôi đơn giản chỉ là một ngày nào đó, con sẽ kiếm được thật nhiều tiền!

Sau cánh diều đầu tiên, tôi đã gặp thầy. Thầy cắp bên mình quyển tiểu thuyết tập 6 “Anh hùng xạ điêu” của tác giả Kim Dung. Tôi lẫm bẫm theo thầy, hỏi hoài về quyển sách dày cộm thầy mang bên mình. Thầy cười, không kể. Thầy dạy tôi đọc chữ. Tôi học nhanh đến bất ngờ. Và tôi bẵng quên cánh diều mình vừa thả chiều hôm ấy, lao vào quyển sách đầu tiên của đời mình. Thầy bảo với cha “thể nào con nhỏ cũng trở thành nhà văn”.

Những cánh diều sau

Tôi vẫn ngụp lặn trong những quyển sách vơ được quanh mình, từ những gì thầy đem đến cho tôi. Thầy thường hay nhìn tôi ngấu nghiến đọc và cười. Thầy bảo với cha: “Con nhỏ tuyệt nhiên không chịu coi truyện tranh”. Cha nhìn tôi, rớm nước mắt. Tôi không hiểu những cái ngân ngấn quấn lấy đời cha, đời mẹ, đời tôi… đó là gì. Tôi đoán, đó là tình thương.

Những cánh diều sau ấy của tôi vào mùa hè thường chắp vá nhiều. Bởi giấy vở còn một nửa nguyên, tôi xé ra, để dành để viết những dòng ngây ngô đầu tiên của cái ham muốn được viết, mà tôi cũng không thể ngờ nó lại dễ dàng đi vào đời tôi như thế. Duy nhất một trang giấy chính giữa cánh diều trắng, bởi nó dành để ghi ước mơ tôi viết gửi ông trời.

Có khi, nó là “con sẽ trở thành người nổi tiếng”, có khi lại là “nhiều, thật nhiều người phải công nhận con giỏi…”. Rồi trưởng thành hơn một chút, khôn lớn hơn một chút, quay lại với ước mơ của cánh diều đầu tiên, tôi thêm được vài chữ có ý nghĩa, rằng “một ngày nào đó, con có thể kiếm thiệt nhiều tiền để ba mẹ đỡ cực…”.

Một lần, năm tôi 13, lần đầu tiên ngập ngừng đưa thầy coi bài thơ đầu tay tôi viết. Thầy đọc. Thầy nhìn tôi, run run hỏi: “Con thật thích viết à?”. Tôi gật. Thầy dạy tôi viết. Thầy sửa từng chữ trong mỗi thứ ngắn ngủi tôi có thể viết ra. Thầy ngồi cùng tôi làm diều mỗi mùa hè mơ ước. Và thầy hỏi tôi: “Thầy không thấy có ước mơ nào dành cho sức khỏe ba mẹ con”.

Cánh diều cuối cùng của tuổi thơ

Tôi kết thúc tuổi thơ của mình muộn, năm tôi tròn 15. Cha không còn ngồi làm diều cùng tôi nữa. Mẹ thủng thỉnh quấy hồ dán đưa tôi, hỏi: “Sao con không mua một con diều đẹp như mấy đứa bạn?”. Tôi lắc đầu, không trả lời. Thầy ghé qua đưa tôi cuốn truyện tranh. Tôi chưng hửng nhìn thầy không hiểu. Thầy bảo: “Không đọc thì xé ra làm diều. Có khi ước mơ con sẽ đẹp hơn vì có nhiều hình ảnh hơn”. Tôi lắc đầu, không phản bác, chẳng làm theo.

Cánh diều năm ấy, tôi vẫn ghi ước mơ của mình, hay nói chính xác hơn là những dòng tâm sự gửi ông trời, dẫu đến giờ, tôi biết chắc, chẳng có ông trời nào đọc cả. Tôi không thích chấp nhận cái sự thật ấy. Tôi cố giải thích với mình rằng, có lẽ bởi ông trời không biết đọc chữ của người trần gian. Đó là những dòng xúc cảm được bồi ghép bởi những ước mơ đuổi theo tôi suốt ròng rã mười mùa nắng hạ. Đó là những bài học về đam mê mà con người ta có thể đuổi theo thầy đã dành tặng tôi kể từ ngày thầy phát hiện ra tôi ham đọc, ham viết.
u10836_t1300063321_UiS4W.360plus.yahoo.com.jpg
Tôi đã viết rằng:

“Kính gửi ông trời!

Đây có lẽ là lá thư cuối cùng con viết gửi ông, sau cánh diều này, con sẽ không thể giang nắng chạy mớm gió cho diều, bởi, con bắt đầu sợ da mình đen đi, con không thích mình xấu xí.

Ông biết không? Con vẫn còn tham lam lắm! Và có lẽ chẳng bao giờ con có thể hết tham lam. Con vẫn muốn trở thành người nổi tiếng. Con vẫn muốn được nhiều thật nhiều người công nhận khả năng của con và đánh giá cao cái khả năng ấy. Nếu đạt được những điều đó, nghĩa là con có thể kiếm được thật nhiều tiền để ba mẹ con không khổ nữa.

Nhưng ông trời ơi! Nếu suốt mười năm ông vẫn chưa học xong chữ viết của con người, nếu cánh diều này vẫn như mọi cánh diều khác, không thể trở thành hiện thực bởi ông không hiểu chúng, thì hãy coi như đó là một món quà con gửi ông, để lấy lòng ông, để ông thấy vui và ông sẽ cho con được nói, ông sẽ nghe được lời con cầu nguyện, rằng hãy cho ba mẹ con sức khỏe để ba mẹ còn có thể chứng kiến ngày con đạt được những ước mơ đời mình.

Và ông cũng khỏe nhé, ông trời! Vì chỉ có vậy thì ông mới có thể tiếp tục học chữ của con người để mà hiểu hết những dòng con đã viết gửi ông bằng những cánh diều. Con tin khi ngày đó trở thành sự thật, ông sẽ cho con tất cả những gì con đã ôm ấp bấy lâu nay”.

Tôi đã đi qua tuổi thơ của mình 15 năm. Tôi đã đi non nửa đời người. Tôi đã vấp váp nhiều, thất bại nhiều, đau khổ nhiều… nhiều hơn mức tôi có thể nghĩ rằng, nhất thiết mình phải trải qua để đi đến được cái đích của thành công. Hai chữ “thành công” chưa từng bao giờ xa vời với tôi đến thế! Thầy vẫn bình thản đọc, bình thản cười trước từng tác phẩm tôi viết bây giờ đã thành thục, đã hay ho. Cha mẹ tôi vẫn dõi theo hàng ngày từng bước chân tôi đi từ sai lầm này sang sai lầm khác bằng cái ngân ngấn đến bây giờ tôi có thể khẳng định, đó là yêu thương!

Tiền kiếm được đủ để tôi xoay sở cho một cuộc sống không thiếu đói, nhưng cũng chẳng bao giờ thừa thãi của đứa con gái quyết vác gói đi tìm khoảng riêng cho đời mình. Cha mẹ vẫn nhọc nhằn tự làm, tự kiếm tiền, tự lo cho hai cái thân già không biết còn bao thời gian để đợi chờ cái thành công mà tôi mải mê với đuổi.
Tôi cũng có độc giả, cũng có những người dám thừa nhận rằng, ừ, chí ít tôi cũng có tài. Nhưng những tác phẩm của tôi sau nhiều lần gửi đi, trả về, chúng chỉ biết buồn thiu nằm trong hộc tủ. Có lẽ, tôi với theo cái chấp chới của từng cánh diều tuổi thơ, ở cái nơi cao quá – nơi mà con người hay ông trời cũng không bao giờ có thể hiểu. Tôi tự đẩy mình vào một khoảng, nơi đó chỉ có mình tôi.

Tôi cay đắng tìm thầy. Thầy nghiêng đầu nhìn tôi theo cái kiểu mỗi khi thầy muốn khích lệ, từ tốn bảo: “Thầy luôn nghĩ có là đứa có thực tài. Chỉ là con có đủ kiên nhẫn để đeo đuổi hay không. Và con có đủ minh mẫn để học hỏi hay không”.
 
Tôi mệt mỏi tìm về cha mẹ. Cha mẹ đón tôi bằng cái nhìn bao dung và những phút lặng ngấn nước mắt mặn mòi. Cha bảo: “Ba không cần con có nhiều tiền. Ba không cần con nổi tiếng. Ba chỉ cần biết rằng con vẫn kiên cường đi trên con đường con đã chọn”. Mẹ bảo: “Mẹ cũng không cần con có nhiều tiền. Mẹ cũng không cần con nổi tiếng. Mẹ chỉ cần biết rằng con luôn hạnh phúc với những gì con đã nhận được trong đời mình”.

Đêm ấy, trên chiếc giường vỗ về từng cơn ngủ thuở còn là trẻ con, tôi thanh thản duỗi tay, nhắm mắt và ngủ, không suy nghĩ, không toan tính. Tôi mơ, giấc mơ có bãi cỏ xanh mướt mát. Tôi mơ, giấc mơ có rát nắng trưa hè. Tôi mơ, giấc mơ có cánh diều chắp ghép từ những chiếc giấy trang vở học trò đã ghi kín chữ… Giữa cánh diều ấy vẫn là liếp giấy trắng, ghi rõ ràng ước mơ của tôi – ước mơ tôi thôi không gửi ông trời nữa, tôi gửi cha mẹ và thầy tôi!

Cảm ơn ba mẹ đã cho con đủ nghị lực để đi trên con đường tự con đã lựa chọn để đi. Cảm ơn thầy đã cho con đủ minh mẫn để biết rằng, cuộc đời này còn quá nhiều thứ con cần phải học. Nếu có một ước mơ, con ước rằng, ba mẹ và thầy hãy yên tâm mà sống vui, sống hạnh phúc, bởi con đang rất hạnh phúc. Còn nếu có một ước mơ riêng dành cho mình, con sẽ ước rằng, con đủ sức để đi tiếp quãng đường trước mắt, dẫu con không nhìn thấy đích đến. Con sẽ đi, đi mãi… cho đến khi con được gục chết trên từng trang viết xuất phát từ đam mê của con!
Trương Thanh Thùy
DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !