Trong tâm lý học, tâm nghèo có nghĩa là tâm bị cố định, thích đắm chìm trong vai diễn của mình mà không nghĩ đến người khác, không có tinh thần trách nhiệm. Họ sẽ đổ lỗi cho cuộc sống không suôn sẻ, tất cả đều là do thiếu tiền, cũng không cố gắng để thay đổi, sống quanh năm trong bi quan, vì vậy luôn tự than thân trách phận.
Nếu bạn có một người bạn như vậy bên cạnh, bạn nên tránh xa càng sớm càng tốt. Bởi vì những người có tâm nghèo, hoặc đang trên đường hủy hoại chính họ, hoặc họ đang kéo những người xung quanh đến bờ vực hủy hoại.
Trái tim nghèo nàn, không có cách chữa trị
Người xưa có câu: “Thân nghèo lạnh 3 phần, tâm nghèo khổ 7 phần”. Không có tiền không đáng sợ, cái đáng sợ là có một trái tim nghèo nàn. Những người có trái tim nghèo nàn sẽ không bao giờ hiểu được tầm quan trọng của việc sống thực tế. Họ luôn muốn một bước lên trời và kiếm thật nhiều tiền, nhưng họ lại không chịu an phận để làm việc chăm chỉ kiếm tiền.
Ở bên cạnh những “người nghèo” như vậy sẽ chỉ làm tiêu hao lòng tốt và sự kiên nhẫn của bạn, kéo bạn từng bước xuống vực sâu, và cuối cùng bạn cũng sẽ không thể leo lên được. Những người có trái tim nghèo nàn luôn phàn nàn và đầy thù địch. Họ tự coi mình là trung tâm, không bao giờ nghĩ đến người khác và cực kỳ ích kỷ.
Khi làm phiền người khác, họ cảm thấy hợp lý; Khi làm tổn thương người khác, họ thấy điều đó là hiển nhiên. Kết thân với những người như vậy, bạn phải luôn xem xét kỹ những điểm nhạy cảm của họ, nếu không cẩn thận có thể đụng chạm đến “lòng tự trọng” nực cười và đáng buồn của họ. Thậm chí, nó đòi hỏi bạn phải có những thỏa hiệp trong mối quan hệ này, chỉ vì “họ nghèo nhưng họ có lý”.
Người có tâm nghèo nàn, dù có núi vàng, núi bạc cũng không vui. Hơn nữa, sẽ sớm không một xu dính túi. Chẳng những liên lụy đến người nhà, mà còn liên lụy đến bạn bè.
Có một câu chuyện rằng: Có một người đàn ông nghèo, luôn ganh ghét với hạnh phúc của hàng xóm. Một ngày nọ, anh gặp một vị thần, vị thần nói với anh: “Ta có thể cho ngươi bất kỳ điều ước nào, nhưng bất cứ điều gì ngươi muốn, hàng xóm của ngươi sẽ được gấp đôi”.
Anh nghĩ đi nghĩ lại: “Nếu ta muốn một ngôi biệt thự lớn, nhà hàng xóm sẽ có hai ngôi biệt thự, nếu ta muốn nhiều tiền, nhà hàng xóm sẽ có nhiều tiền hơn”. Cuối cùng, anh nói với vị thần một cách hằn học: “Tôi muốn ngài làm tôi mù một con mắt”.
Người có tâm nghèo nào thì thiếu lòng nhân ái, không biết đền ơn, giỏi trút giận, không những kém tu thân mà còn thiếu hoàn chỉnh về nhân cách.
Khi tâm của một người nghèo nàn đến cùng cực, thực sự không có cách nào chữa khỏi. Thiếu thốn về vật chất vẫn có thể bù đắp bằng tiền bạc, nhưng nếu tâm cằn cỗi thì chỉ có cam chịu cằn cỗi cả đời.
Người có thể nghèo, nhưng tâm không thể nghèo
Có người từng hỏi: “Người có tâm nghèo thiếu gì?”. Có người trả lời: “Thiếu rộng rãi, thiếu tầm nhìn xa, thiếu chí khí trong xương tủy, thiếu niềm vui trong cuộc sống”.
Sống không sợ nghèo nhất thời mà chỉ sợ tâm nghèo cả đời. Có nhiều người luôn nhìn chằm chằm vào sự tráng lệ của người khác, ghen tị với sự giàu có và quyền lực của người khác, nhưng họ không biết cách đối mặt với cuộc sống thực tế, không biết yêu cuộc sống; càng không biết học hỏi ở người khác cách làm việc siêng năng, chủ động, không mù quáng đố kỵ, ganh ghét.
Một người như vậy, cả đời sẽ không giàu nổi. Ngược lại, những người mặc dù kinh tế tạm thời hạn chế, nhưng vẫn còn có những giấc mơ trong trái tim và ánh sáng trong mắt, họ sẽ không bao giờ từ bỏ việc nuôi dưỡng hy vọng và sẽ từng bước bước ra khỏi tình trạng khó khăn của cuộc sống.
Không cam lòng tầm thường, chỉ cần có chí khí, dám liều mạng chiến đấu, nhất định sẽ có cơ hội phản công. Vốn đã không có gì cả, nếu thậm chí cả tầm nhìn và hoài bão cũng không có, vậy nhất định phải tiếp tục nghèo.
Nếu muốn được hiển vinh, thì phải chịu được khổ. Trên đời này, không có sự may mắn nào từ trên trời rơi xuống, và những đau khổ của cuộc đời sẽ luôn nhường bước cho những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Giống như câu nói: “Cá sống bơi ngược dòng, cá chết xuôi theo dòng mà trôi”.
Cuộc đời còn lại rất quý giá, hãy tránh xa những người có “tâm nghèo”
Có người nói: “Bạn muốn trở thành người như thế nào, hãy ở bên người mà bạn muốn trở thành, dần dần bạn sẽ trở thành người mà bạn muốn trở thành”. Vật họp theo loài, người phân theo nhóm, luôn là chủ đề giao tiếp không thể thay đổi; Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, luôn là quy tắc xã hội mà chúng ta nên tuân theo.
Nếu kết giao với những người có tâm nghèo nàn, bạn sẽ chỉ rơi vào vòng năng lượng tiêu cực của sự chôn chân bó gối và tủi thân của họ. Một người như vậy hoặc sẽ truyền cho bạn năng lượng tiêu cực của họ, khiến bạn dần mất hết ý chí, tinh thần và trở thành một người giống như họ; Hoặc dựa vào sự nghèo khó và yếu đuối của họ để chiếm tiện nghi và không ngừng đòi hỏi ở bạn.
Cũng giống như câu nói: “Thà làm người nghèo của giới nhà giàu, chứ không làm người giàu của giới nhà nghèo”. Phần đời còn lại quá quý giá, những người giống như khối u ác tính như vậy, nên rời xa càng sớm càng tốt.