Câu chuyện “Hãy dạy con những điều tử tế”
Chiều chủ nhật tôi xong nên được về sớm, trong lúc đang bật xi nhan trái để ôm cua ngã ba thì tôi nhìn thấy hai cậu bé khoảng độ 11-12 tuổi ăn mặc gọn gàng. Một cậu ngồi với vẻ mặt thiểu não bên vệ đường, cậu còn lại thì đang đứng giơ tay xin quá giang. Tôi đoán hai cậu bé đang học lớp sáu.
Thế là, tôi chầm chậm tấp xe vào lề đường, bấm kính xuống hỏi: “Có chuyện gì đấy hai em? Muốn quá giang à?”
Cậu bé đang ngồi nghe vậy liền bật dậy mừng rỡ, kéo tay cậu bé đang đứng tiến sát lại cửa xe nói: “Dạ, chú cho tụi con quá giang với chú nghen”
Tôi gật đầu: “Ờ”, xong tôi xuống xe mở cửa sau. Một cậu nhóc bỗng nhìn tôi ngập ngừng nói: “Chú con cho ngồi trước được không chú?”
Tôi cười đáp: ‘Được chứ, con lên đi”, tôi nói rồi mở cửa xe trước cho cu cậu, còn cậu bé kia thì ngồi lên ghế sau.
Tôi lái xe chầm chậm hỏi: “Tụi con về đâu”
“Dạ chú con tụi con về Huỳnh Thúc Kháng ạ. Con cảm ơn chú” – Cậu bé bên cạnh tôi trả lời.
Tôi ậm ừ, thế là cậu bé nói tiếp: “Tụi con đứng nãy giờ mà xin quá giang xe máy nhưng không ai cho. Chắc họ nghĩ tụi con là cướp chú ha. Ai ngờ lại gặp chú, may thật”
Tôi cười: “Nhìn hai đứa bay ốm nhách mà cướp gì nổi, chắc họ vôi đi công chuyện nên sợ phiền đó thôi con”, rồi tôi nói tiếp với giọng nghiêm trọng “Nhà dưới Huỳnh Thúc Kháng mà sao hai đứa lên tận trên này vậy?”
“Dạ chiều chủ nhật không đi học thêm nên hai tụi con rủ nhau lên nghĩa địa thắp hương cho ông bà á chú. Mùa mưa không đi được nên mua nắng tụi con đi”
“Thế hai đứa học lớp mấy rồi?”
“Dạ tụi con học lớp 6”
Vậy là tôi đã đoán đúng, tôi cất giọng khuyên bảo: “Hai đứa ràng học cho ba mẹ vui lòng nghen”
“Dạ chú” – Hai cậu nhóc dạ rõ to
Tôi cười nói tiếp “Thế lúc nãy hai đứa đi bằng gì lên đây?”
Cậu bé ngồi sau trả lời: “Dạ, tụi con đi bộ á, mà giờ mệt quá với đói bụng đi hết nổi nên con mới xin quá giang để về kịp đi lễ ạ”
Tôi nghe hai đứa trả lời mà thấy thương, tôi hỏi: “Hai đứa nhà theo đạo Thiên Chúa à?”
Cậu bé ngồi sau lại tiếp tục trả lời: “Dại chỉ có nhà con thôi, nhà bạn con theo đạo Phật ạ”
Tôi lẩm bẩm như tự nói với mình: “Đạo nào cũng tốt, cũng dạy cho con người ta hướng thiện, chỉ có những kẻ vô đạo mới là khốn nạn thôi”
Nghe thế, cậu nhóc ngồi trước la lên: “Sao chú nói giống ba con quá vậy!”
Tôi nhìn kính chiếu hậu giả bộ hỏi cậu bé ngồi sau: “Ủa, mà chú nhớ đạo Thiên Chúa đâu có thắng hương đâu nhỉ?”
Cậu bé trả lời không suy nghĩ: “Dạ đó là hồi trước thôi chú, giờ cho thắp hương để phù hợp với phong tục người Việt mình rồi ạ”
“Thì ra vậy, giờ chú mới biết”- Tôi mỉm cười trả lời
Xe chạy thêm một đoạn thì tới đường Huỳnh Thúc Kháng, tôi tấp xe vào lề rồi xuống mở cửa cho hai cậu bé. Xuống xe xong, cả hai đứa đều cúi chào nói to “Con cảm ơn chú”, rồi cậu bé phía sau nói tiếp “Nếu không có chú cho quá giang chắc con bị trễ giờ đi lễ mất. Con cảm ơn chú nhiều lắm”
“Không có gì đâu con, thôi hai đứa về đi, chú cũng về đây” – Tôi cười nói
“Dạ chú về ạ” – Hai cậu bé cùng nói
Tôi lên xe, lòng bỗng dưng tươi vui lắm. Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy hai cậu bé vẫn còn đứng vẫy tay chào tôi. Tôi thầm nghĩ, thì ra ở thời buổi nhiễu nhương này vẫn có những gia đình dạy con mình những điều tử tế như vậy, thật đáng quý.
Lời bàn câu chuyện “Hãy dạy con những điều tử tế”
Câu chuyện “Hãy dạy con những điều tử tế” là một câu chuyện vô cùng nhẹ nhàng nhưng cho chúng ta một bài học sâu sắc về tầm quan trọng về việc dạy dỗ con cái. Để một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện, thông minh, lễ phép thì việc dạy dỗ của bố mẹ là điều vô cùng quan trọng.
Trong thời buổi xã hội ngày nay, nhiều ông bố bà mẹ thường coi trọng điểm số ở trường một cách thái quá. Họ luôn muốn thúc ép trẻ học hành nghiêm túc, làm bài tập về nhà đầy đủ, đến lớp học đúng giờ mà quên đi việc nuôi dưỡng sự tử tế ở trẻ, điều mà có lẽ còn quan trọng hơn điểm tốt, giải thưởng và danh hiệu.
Trong các phẩm cách đáng trân trọng của con người, sự tử tế cần được đặt lên hàng đầu. Khi xã hội có những bất ổn, đạo đức suy đồi thì sự tử tế cứu rỗi để chúng ta không phạm sai lầm đến mức không thể vãn hồi.
Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều buồn khi chứng kiến những hành vi không tử tế, những câu chuyện đau lòng diễn ra hàng ngày. Những tội ác không ai có thể ngờ và không thể nào tưởng tượng được đã trở thành sự thật trong cuộc sống của chúng ta. Hơn bao giờ, chúng ta cần cứu lấy sự tử tế trong mỗi người, nuôi dưỡng nó, lan tỏa nó. Và quan trọng nhất là dạy con, dạy cháu, học trò của chúng ta – thế hệ tương lai thành người tử tế.
Theo SONGDEP