Cấp trên khiến bạn muốn "tăng xông"?

GTHN - Bạn không thể chọn người sếp theo ý mình nhưng hoàn toàn có thể chọn cách phản ứng với một người xấu.

lam-gi-khi-cap-tren-khien-ban-chi-muon-tang-xong

Sẽ thật lý tưởng khi bạn tìm được môi trường làm việc giúp bạn trưởng thành, gặp được người sếp giúp bạn học được những kỹ năng mới. Tuy nhiên sự thật lại muôn hình muôn vẻ.

Bạn có thể cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không thể làm vừa ý sếp, luôn bị cấp trên nhắc nhở thậm chí vì những lý do chẳng ra đâu vào đâu… Trong một cuộc khảo sát của TopResume, 71% người được hỏi tiết lộ rằng họ từng cảm thấy bị sếp hoặc người giám sát trực tiếp bắt nạt.

Tuy nhiên, bạn có nên “tăng xông” và nộp ngay đơn nghỉ việc để tự giải thoát mình khỏi tình cảnh này? Tất nhiên đó là một lựa chọn song không phải là điều bạn nên ưu tiên đầu tiên. Dưới đây là những cách khôn ngoan để bạn đối phó với người sếp thường xuyên khiến cuộc sống của mình trở nên chật vật.

Đánh giá trung thực tình hình

Để nhìn thẳng vào gương là điều khá khó khăn song trung thực là điều chúng ta cần làm để có thể cải thiện tình hình ở nơi làm việc.

Bạn đã cố gắng hết sức chưa? Bạn đã học cách để làm việc năng suất hơn chưa hay mới dừng ở mức làm việc chăm chỉ? Chúng ta là người rõ nhất bản thân mình đã làm gì. Và cũng có thể bạn đang làm những gì tốt nhất có thể nhưng vẫn chưa đủ tốt so với yêu cầu của ai đó.

Hiểu phong cách của sếp

Một trong những đặc điểm của người thành công chính là có trí tuệ cảm xúc cao, biết cách “đọc vị” để hiểu và hòa hợp với người khác. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ dần nhận ra phong cách làm việc cũng như giao tiếp của sếp mình. Bạn có thể tránh nói những điều khiến sếp bạn “tăng xông”, không để bụng những lời quát mắng nếu sếp bạn là người “phổi bò”…

Ghi chép

Nếu sếp của bạn luôn phàn nàn về những gì bạn chưa làm được hoặc hoàn thành không đúng thời hạn trong khi sự thật không phải là vậy, hãy chắc chắn rằng mình đã ghi chép mọi thứ một cách cụ thể từ khi việc được giao cho đến lý do khiến tiến độ chậm lại…

Bạn cũng có thể cân nhắc việc hẹn với sếp một cuộc họp định kỳ (chỉ cần 5-10 phút) để trao đổi về những gì đang làm. Điều này có thể giúp bạn hiểu được các ưu tiên của cấp trên với nhiệm vụ hiện tại của bạn, biết đâu là điều bản thân nên ưu tiên hoàn thành trước.

Không lãng phí năng lượng để nghĩ về họ

Làm gì khi cấp trên khiến bạn chỉ muốn "tăng xông"? - 2

Gặp được một người sếp, người thầy tốt là may mắn của bất cứ ai trong cuộc đời này. Nếu bạn chưa có được may mắn đó, đừng tốn năng lượng để suy nghĩ về họ. Việc cả ngày ám ảnh bởi sự kỳ dị hay vô lý của người sếp đó chỉ khiến bạn cảm thấy bực mình, khó chịu mà vấn đề không hề được giải quyết.

Nếu bạn thấy mình thường xuyên khó chịu hoặc nghĩ về người sếp đó, hãy cân nhắc đến mẹo mua một con lợn tiết kiệm và nhét vào đó 20 nghìn đồng cho mỗi lần nghĩ đến. Thủ thuật này sẽ giúp bạn nhận thức được lượng thời gian bạn đang dành cho những điều không tích cực, giúp bạn thay đổi suy nghĩ của mình và sống tích cực hơn.

Hiểu rằng bạn không làm gì sai

Cấp trên không thích bạn không có nghĩa là bạn đã làm gì sai. Hãy nghĩ đơn giản rằng, giữa bạn và họ không có một mối quan hệ tốt mà thôi. Hai người đang nhảy hai điệu khác nhau và điều đó không quan trọng. Hãy tập trung vào làm tốt nhất có thể công việc và tận hưởng điệu nhảy của riêng mình.

Nói thẳng – Nói thật

Hãy hành động như một người lớn, ngay cả khi sếp của bạn không làm như vậy. Đừng nói xấu hay buôn chuyện sau lưng về họ. Đây là lỗi sai mà nhiều người mắc phải trong khi điều này không hề giúp vấn đề được giải quyết mà còn khiến tình hình căng thẳng thêm.

Nếu bạn cần nói chuyện với ai đó trong cơ quan mình về công việc đang bị cản trở hoặc bị tác động tiêu cực bởi người sếp kia, hãy làm việc đó một cách chuyên nghiệp và kín đáo. Đó có thể là phòng Nhân sự hoặc sếp cấp cao hơn.

Tìm sự tư vấn

Làm gì khi cấp trên khiến bạn chỉ muốn "tăng xông"? - 3

Có thể sẽ hữu ích khi bạn tìm sự tư vấn từ những người có kinh nghiệm hay tốt hơn là có chuyên môn về cố vấn nghề nghiệp. Một người nào đó đứng từ bên ngoài sẽ có thể có cái nhìn khách quan hơn, cho bạn một góc nhìn khác, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bạn giải quyết vấn đề.

Xem điều đó như một cơ hội học tập

Nghĩ theo cách tích cực thì việc phải đối mặt với một người sếp tệ cũng là cơ hội để bạn có được những bài học quý báu trong cuộc đời. Khi vượt qua được, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để làm việc cùng những người khác và cũng biết điều gì là nên, không nên làm khi trở thành một người quản lý.

Trong một số tình huống nhất định, chúng ta không thể lựa chọn sếp của mình nhưng chúng ta có thể chọn cách phản ứng với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Với tư duy và cách tiếp cận đúng đắn, bạn có thể khiến mọi chuyện trở nên tốt hơn, ngày càng trưởng thành và thành công. 

Theo Bảo Anh (Gia đình & Xã hội)

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !