“Năm nay hai mấy con về?”, đáp lại câu hỏi của mẹ, cô gái Nguyễn Ngọc M., 25 tuổi, làm việc tại phòng kinh doanh công ty điện máy ở TPHCM chỉ muốn nói thật tình cảnh: “Con không có tiền mua vé về Tết”.
Chỉ 4 chữ “con không có tiền” mà cổ họng cô gái nghẹn lại. M. gượng cười, nói: “Năm nay, chắc con không về. Công ty cần người ở lại quản lý ngày Tết, trả lương gấp 3 “.
Đó là lần nói dối thứ n của M. với bố mẹ!
Phía đầu dây bên kia, người mẹ nói: “Cố gắng về cho vui con ơi. Chiều mẹ đi xuống thị trấn xem cái máy lọc nước”.
Trước đó, mẹ gọi điện nói muốn sắm máy lọc nước 4,5 triệu đồng, M. gật đầu đồng ý tặng bố mẹ món quà này vào dịp Tết cho dù tài khoản của cô còn không nổi một triệu đồng.
M thừa nhận mình là đứa chuyên nói dối gia đình, nhất là từ khi đi học đại học.
M. học giỏi từ bé, mang theo cả những kỳ vọng của gia đình về sự thoát nghèo và đổi đời. Ngược với kỳ vọng đó, ngay năm đầu tiên bước chân vào giảng đường, M. đã bị sốc về môi trường sống và tuột dốc trong học tập
Cô đôi lần muốn bỏ ngang ngành quản trị kinh doanh đang học để thi lại sư phạm, lĩnh vực cô yêu thích từ bé nhưng không đủ dũng khí. Quan điểm “học sư phạm thì nghèo” của bố mẹ như một bước tường chặn đứng trước mặt cô gái.
Lực học kém, M. nợ môn nhiều nên ra trường trễ hơn so với kế hoạch. Vậy nhưng, lời cô nói với bố mẹ là: “Con trúng học bổng khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao nên phải kéo dài thời gian học.
Chật vật ra trường với tầm bằng khá nhưng khi bố mẹ hỏi đến, M. đáp: “Con tốt nghiệp loại giỏi”.
Gần hai năm nay, cô cử nhân “bằng giỏi” của gia đình tiếp tục một mình lăn lộn trên con đường của mình – con đường khác hẳn so với hình dung của gia đình ở nhà.
Sau khi tốt nghiệp, M. thất nghiệp kéo dài hơn nửa năm nhưng cô nói với gia đình mình đã có việc. Khi kiếm được việc với đồng lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng, M. lần nữa báo về gia đình là vừa chuyển việc nơi có mức lương cả chục triệu.
“Có lần, ông anh họ kể đi làm lương 5 triệu đồng, mẹ em nói thế không bằng… đứa học hết lớp 9 bán xôi ở quê và tỏ ra rất thương hại”, M. lý giải cho lời nói dối về mức lương của bản thân.
Trong quá trình nhảy việc, M. lại thất nghiệp thêm vài tháng. Mấy tháng trước, cô vào làm ở công ty hiện tại với mức lương hơn 6 triệu đồng, chưa kể công ty còn thường xuyên nợ lương.
Đồng lương này chỉ đủ để M. trang trải cuộc sống chi tiêu, sinh hoạt một cách tiết kiệm với đủ khoản tiền như nhà trọ, điện nước, xăng xe, ăn uống, tiền quần áo, cưới hỏi….
Bố mẹ ở nhà khoe khắp nơi con gái tốt nghiệp bằng giỏi, ra trường có việc ngay, đi làm lương cao. Một cái áp lực vô hình treo lên vai M. làm cô càng không thoát ra được, cô lại tiếp tục lừa cha dối mẹ “lương con gần 15 triệu đồng”.
Cô gái cho biết, có thể những ngày tới, cô sẽ lên app vay tiền online gửi về cho bố mẹ, còn mọi việc sau đó đến đâu tính tiếp.
M. nghẹn ngào: “Tôi rất muốn nói với bố mẹ rằng con đang rất khó khăn, không có tiền mua vé về quê nhưng tôi không làm được”.
Cô thà đi vay tín dụng đen, bất chấp mọi hậu quả chứ không chọn việc chia sẻ với bố mẹ về tình cảnh của mình.
M. kể, một số bạn bè thân thiết biết chuyện trách cô “nói dối thành thần”, sao không nói thật sống cho khỏe. M. cũng biết vậy nhưng sâu thẳm bên trong cô, cô không thể đối mặt được với bố mẹ khi họ nhìn mình đầy thất vọng.
“Có người bạn em cũng nói vậy nhưng chính hắn cũng thất nghiệp, đi giúp việc nhà và nói với bố mẹ đang làm công việc văn phòng. Nhiều đứa con nói dối bố mẹ và nhiều gia đình như bố mẹ tôi, không hề biết hoàn cảnh, sự chật vật, khó khăn của con cái nơi phố thị”, M. nói.