Ai dám bảo Sài Gòn đánh mất mình?

GTHN - Nhân đọc được đâu đó một bài viết, bảo rằng Sài Gòn của tôi là một thành phố "khó ở", lai tạp một cách tạp nham. Muốn mượn lời một cô gái để phản biện, giúp phố "rửa" nỗi oan Thị Kính này.
ai-dam-bao-sai-gon-da-danh-mat-chinh-minh


Hôm nay có người bảo với em, rằng Sài gòn của em là đồ lai tạp, là thứ tạp nham, là thành-phố-mất-chất dù mang danh đô thị số một cả nước.

Em không trách bạn ấy.

Vì em hiểu, có những người dẫu sinh ra và lớn lên ở cái thành phố 10 triệu dân này, cũng chưa chắc có được tình yêu như những người con phương xa về đây mưu sinh. Họ hằng ngày hít thở bầu không khí thành phố, ăn những thứ đồ ăn sang chảnh du nhập từ nước ngoài, tưởng tin vào điều đó như là một lẽ dĩ nhiên thành phố bắt buộc phải cung phụng mà chưa một lần có thái độ biết ơn cần thiết với những gì mình được. Chắc bạn ấy chưa có thời gian để đọc "Yêu người ngóng núi" của Nguyễn Ngọc Tư. Đâu phải ai cũng rãnh rỗi như em cả ngày ngồi đọc sách anh nhỉ?

Rồi bạn ấy cũng cho rằng, người Sài gòn dẫu biết nhột, nhưng khi nhột sẽ tự gãi, gãi xong hết nhột thì lại thôi. Chắc họ dễ dãi, sống một cuộc sống dễ dãi dựa trên những quan niệm dễ dãi. Nên họ nghĩ ai cũng như ai, không có nhu cầu tìm hiểu vì sao mình nhột để tìm cách khắc phục, để mốt mai khỏi phải gãi đến tróc cả da, trầy cả thịt mà vẫn nhột hoài. Một người đến bản thân mình cũng không yêu, thì em đâu cần thắc mắc vì sao người ấy không có tình yêu dành cho quê hương xứ sở?

À, mà anh ơi, em thấy hình như em bị khó tính quá. Chứ người trẻ bây giờ ai hỏi Việt Nam thế nào cứ chỉ qua quýt Hội An, Hà Nội cho đỡ mất công. Chứ ở đó mà ngồi giải thích kiểu như "từ cái tên Sài gòn đã là văn hoá, hiểu là một hai con đường trung tâm cũng đúng, mà cho là mấy chục quận huyện cũng chẳng sai" thì hình như dài dòng quá. Rồi mà nếu nói vậy lại phải cắt nghĩa tại sao mà cả một đất nước gọi Sài gòn là Sài gòn, trong khi tên cúng cơm trên giấy tờ lại là TPHCM, thật là phiền phức quá anh nhỉ? 

"Nồi lẩu văn hoá" đậm bản sắc Việt

Rồi bạn ấy mang những biểu tượng của sự hoà nhập mà em ngày ngày tự hào với anh, hô biến thành nỗi nhục quốc thể vì một thành phố không bản sắc, một cái nồi lẩu thập cẩm mà chả có món gì ra món gì. Bạn ấy làm em phải suy nghĩ nhiều đó chứ, vì em vẫn hay đòi ăn tả pín lù mỗi khi đi ăn lẩu, em cứ nghĩ tinh hoa tập trung hết vào đó, anh muốn ăn tôm có tôm, ăn mực có mực, thậm chí là nếu hào phóng, anh gọi bào ngư vi cá bỏ vào thì vẫn cứ vô tư. 

Em nghĩ dù có cho cái gì vào thì tất cả tựu chung vẫn phải gọi là Lẩu. Một nồi lẩu dẫu có bỏ một triệu thứ vào thì vẫn là một nồi lẩu. Ai dám gọi nó là nồi cơm hay nồi chè bao giờ? Giống như phố của em, dẫu có Hoa, có Nhật, có Hàn hay có Tây Mỹ gì đi nữa, thì vẫn là Sài gòn của em đấy thôi, rất riêng và chẳng thể tìm thấy ở Paris, Singapore, New york hay bất cứ một thành phố nào trên thế giới.

Anh có nhớ sáng nay mình đi ăn cơm tấm, anh hỏi em sao cả tuần cứ đòi ăn mỗi một món. Đơn giản là vì em thích, và em là người Việt anh ạ. Người ta nói trong danh sách những món ăn của người trẻ giờ chỉ toàn món Nhật món Hoa, lại quên rằng sáng nào em cũng ăn cơm tấm và bánh mì đi cùng em cả một quãng đời sinh viên. Chẳng biết vì phố mất gốc hay vì người quên nguồn cội, học làm sang anh nhỉ?

Và chắc những người tự vỗ ngực xưng mình là "người Sài gòn" kia, chưa bao giờ đặt chân vào chợ Bến Thành. Nên không biết rằng biểu tượng của thành phố chúng mình vẫn giữ đúng vai trò "chợ" của chính nó, với đủ loại nhu yếu phẩm và hàng trăm thứ nguyên liệu để tạo ra những món ăn nằm trên bàn. Chứ không là một nơi "người lớn không đến kẻ nhỏ không vô", anh ạ.

Em còn muốn nói tiếp lắm, nhưng mẹ gọi em ra phụ nấu cơm mất rồi, nên em trả lời nốt cái câu hỏi "Sài gòn có gì" để bạn em tỏ tường mà trả lời du khách anh ạ. Sài gòn của em có văn-hoá-hẻm, có những cơn mưa đỏng đảnh được ví với các cô gái Sài gòn, có những con đường hai hàng me che mát cho người phố thị, có tiếng rao của những cô bán hàng rong, có lịch sử oai hùng bất khuất kiên cường, ….

Sài gòn của em còn luôn dang rộng vòng tay đón những người con phương xa đến lập nghiệp, mang theo những nét văn hoá mới lạ để hoà vào một tổng thể đa sắc màu, đa văn hoá. Đó cũng chính là cái mà em tự hào nhất về Sài gòn, về một nền văn minh của những nền văn minh. Chứ không phải là một thành phố "khó ở" và lai tạp tạp nham

Thay cho lời kết

Rất nhiều người thường xuyên tự hỏi, mình yêu Sài gòn vì cái gì, hay thắc mắc phố này có gì đặc trưng mà làm lòng xuyến xao đến lạ.. Và cho đến khi rời đi, họ mới tìm được câu trả lời, rằng những thứ giản đơn mới là những gì đặc trưng nhất. Và Sài gòn thì có hàng trăm triệu tỷ những thứ giản đơn như thế.

Love isn't a big thing, it's a million little things

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !