Ước mơ vượt thời gian

GTHN - Nhà tôi nằm ở một làng quê nghèo. Những cánh đồng lúa chín vàng hay hạt gạo trắng ngần đối với gia đình tôi quý giá biết bao.

Tôi nhớ rằng ngày ấy ước mơ có được chiếc kẹo mút với tôi thật là xa xỉ. Nhìn lũ bạn ăn mà tôi thấy phát thèm, 2 con mắt như dán vào lũ bạn. Tôi nhìn chúng chằm chằm không thôi. Đã có lần tôi dỗi không ăn cơm, chỉ là để được bố mẹ mua cho một cái kẹo mút. Cây kẹo - lần đầu tiên tôi được ăn, mới ngon làm sao! Màu sắc xanh đỏ viền quanh thân kẹo, vị của nó ngọt đậm và thơm, lại có cả cái que nhỏ xíu xiên vào giữa để cầm cho dễ.
Tôi thích viết văn, làm thơ, cũng thích viết cả những dòng tâm sự nói về bản thân, gia đình và làng quê mình. Chúng như một món đồ bảo bối của tôi, mà không được phép để cho người thứ 2 biết đến. Không một ai trong nhà có thể biết được những tác phẩm đầu tay ấy, tôi thấy ngường ngượng làm sao.
Nhà tôi không có TV. Tôi chỉ nghe bập bõm chúng bạn nói đến những báo gì đó… Nhưng tất cả với tôi vẫn chỉ là một sự xa vời, không biết thông tin gì thêm ngoài cái tên báo đã được nghe. Tôi chợt nảy ra ý tưởng hay mình cũng viết bài gửi đăng báo xem sao? Nhưng rồi tôi lại nghĩ điều đó không thể xảy ra. Tôi học văn ở lớp thì điểm nẹt đẹt, không có gì ngoài niềm yêu thích…
Cũng như với cây kẹo mút, để có một quyển báo giấy đối với tôi là một điều không thể. Tôi cũng chẳng thể mè nheo bố mẹ mua cho bằng việc dỗi cơm như trước nữa. Tôi đã phải trực nhật giúp một đứa bạn cả tháng trời để có thể mượn được quyển báo trong một buổi chiều. Sau đó, tôi cố gắng đọc thật nhanh những gì cần thiết, để hiểu nội dung trong đó. Ý định gửi bài đăng báo lại hồi sinh. Tôi tìm tòi rồi ghi lại địa chỉ và các chuyên mục có thể viết được.
Nhưng, tôi lấy tiền đâu ra để gửi bài, trong khi nhà đang quá khó khăn? Tôi hụt hẫng và buồn thiu, mấy ngày trời như mất hồn. Mẹ nhìn thấy mà thương đến phát khóc, hỏi chuyện mẹ biết tôi thích viết bài gửi đăng báo. Mẹ buồn bã và có lẽ bà khổ tâm lắm khi đến số tiền ít ỏi cũng không có để cho tôi gửi bài qua đường bưu điện… Vài hôm sau mẹ nói rằng: sẽ cho tôi tiền, để đi gửi bài đến tòa soạn.
Tôi cố gắng gửi số lượng bài nhiều nhất có thể. Tất cả những gì tôi đã viết ra đều gửi cả. Tôi nghĩ rằng ban biên tập sẽ gửi thư lại và nhận xét rồi sửa từng bài giúp. Tôi hào hứng trong giọt nước mắt của mẹ. Và cũng là vô tình hào hứng, khi ngày hôm sau nhà tôi không còn chút tiền nào để mua cái ăn, ngoài một nồi cơm trắng. Tôi rớt nước mắt, nhưng nghĩ rằng nhà mình sẽ có tiền, nếu những bài viết của tôi được đăng, vì thế tôi vẫn hy vọng không ngừng… 
Một tuần, 2 tuần, rồi một tháng, 2 tháng… cũng không thấy thư của tòa soạn gửi về. Tôi hụt hẫng, nhưng vẫn cố gắng học, cố gắng viết. Tình cờ một lần mượn được quyển báo của đám bạn, và thật vui sướng khi trong đó có bài của tôi. Tôi chạy thẳng về nhà, chẳng cần lẽo đẽo đi trực nhật hộ để khoe với bố mẹ. Có lẽ tòa soạn đã gửi thư trả lời, nhưng bị thất lạc! Nhen nhóm trong tôi ước mơ đỗ đại học, và trở thành một nhà báo. Để được viết và được đi đây đi đó, thỏa đam mê của bản thân.
Những làn gió nhè nhẹ thổi làm tung bay mái tóc, tôi lại bắt đầu mộng mơ. Tôi mơ tưởng đến khi mình trở thành một cô phóng viên, viết ra được những bài báo có giá trị, nghĩ và lại nhoẻn miệng cười. Rồi khi ấy tôi sẽ mua thật nhiều những cây kẹo mút, gia đình tôi sẽ không phải khó khăn vất vả như hiện giờ nữa. Bao nhiêu điều tôi muốn làm sau này, với những khát khao bay nhảy đều được xếp chồng lên nhau, ngày một nhiều.
Năm ấy thi đại học tôi đã quyết định chọn khoa Báo chí và Truyền thông, của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội). Tôi tự ôn luyện chăm chỉ, góp nhặt từng chút kiến thức và mượn sách vở bạn bè. Bởi nhà tôi vẫn chưa thể đủ điều kiện để được đi học thêm bên ngoài, như chúng bạn. Chưa bao giờ tôi khẳng định mình có thể đỗ đại học, nhưng tôi cũng luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân, luôn tin rằng ước mơ của mình sẽ có ngày thành hiện thực. Có lẽ chính niềm tin ấy đã giúp tôi bước chân được vào giảng đường, lọt vào khoa mà tôi yêu thích, với vị trí top 10. Vui sướng và hạnh phúc biết bao, khi tôi biết rằng mình đang bước gần hơn tới con đường ước mơ của bản thân. Bước chân ra thành phố học tập, bắt đầu trải nghiệm việc viết báo, tôi thấy nó không đơn giản như mình nghĩ. Không phải là câu chuyện tuổi thơ, hay những tâm sự của cá nhân nữa. Tất cả là sự thật, một sự thật đến trần trụi. Phải đi, phải quan sát, đánh giá… rồi bao kỹ năng khác nữa cần học hỏi, tích lũy.
Nhưng không phải vì vậy mà tôi nản chí, buông xuôi. Với tôi nghề báo vẫn luôn hấp dẫn, vẫn là đam mê và thậm chí còn hơn xưa rất nhiều. Tôi biết rằng bản thân mình cần phải cố gắng hơn nữa, để vững bước trên con đường đã chọn. Có thể tôi sẽ không trở thành một nhà báo nổi tiếng, tài năng nhưng tôi vẫn có thể thực hiện khát khao cháy bỏng của mình. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy cuộc sống vẫn tràn ngập những sắc màu, và những nụ cười. Tôi sẽ mang những thông tin mình biết, những sự thật đến với công chúng. Tôi sẽ là một nhà báo tâm huyết với nghề và góp một phần nào đó cho báo chí của đất nước phát triển hơn. Một phần tuy nhỏ bé thôi, nhưng cũng khiến tôi thấy tự hào.
Lại một mùa xuân nữa lại qua, và tôi một cô gái với ước mơ về nghề báo sẽ lại tiếp tục bước trên con đường dài. Nhưng không phải là con đường vô định, mà đó là một con đường có điểm đích và tôi sẽ phải cố gắng để tìm ra. Vững tin trên một đường đua tiến tới phía trước, nơi bầu trời với ánh sáng rực rỡ…

Ngô Thắm
DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !